Theo các chuyên gia, năm 2017, thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu những rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản phẩm qua chế biến, ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng và đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Đến nay, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 161 thị trường trên thế giới. Nhờ ký các hiệp định thương mại, thủy sản Việt Nam có lợi thế về thuế quan nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước.
Ngoài ra, một trong những thách thức đối với thủy sản Việt Nam là vấn đề thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hay các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình thanh tra riêng biệt như: thanh tra cá da trơn của Mỹ đang và sẽ được tăng cường. Các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là com tôm sẽ chịu sự cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu tôm trong khu vực và Nam Mỹ….
Mặc dù, phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng năm 2017 được dự đoán là năm giá trị xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP, xuất khẩu thủy sản cả năm 2017 ước khoảng 7,4 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2016.
Trong đó, việc đột phá về thị trường trong nước, với hơn 90 triệu người dân để khuyến khích tiêu thụ những sản phẩm cá tra do doanh nghiệp sản xuất ra, chế biến gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển các sản phẩm thủy sản là đặc sản của các vùng miền và địa phương...
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mỗi vùng đều có 1 sản phẩm có giá trị kinh tế cao, khối lượng không lớn nhưng đó cũng chính là lợi thế. Vì vậy, năm 2017, bên cạnh sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm chính cá tra và tôm nước lợ, Việt Nam phải tập trung phát triển những sản phẩm có nhiều lợi thế trong nước để phát triển đồng đều ở các vùng miền./.
Xuất khẩu thủy sản còn nhiều dư địa cho tăng trưởng