Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy: Lũy kế xuất khẩu chè 6 tháng đầu năm ước đạt 58 nghìn tấn, tương đương 94 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và 3,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính của chè Việt Nam tiếp tục là Pakistan (chiếm 28,4%), Đài Loan (chiếm 13,5%), Nga (chiếm 13,3%)...
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT: Thị trường chè thế giới đang bão hòa là một trong các nguyên nhân khiến lượng xuất khẩu chè của Việt Nam giảm trong những tháng đầu năm.
Mặc dù giảm lượng, song giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam lại có xu hướng tăng ở hầu hết các thị trường. Cụ thể, giá chè xuất khẩu bình quân nửa đầu năm ước đạt 1.631 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Điều này cho thấy, chè Việt Nam đang dần nâng cao được giá trị trên các thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè cần đầu tư sâu hơn nữa vào phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chè, đặc biệt là quan tâm sát sao đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để thay đổi hình ảnh chè Việt, giúp khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Tại thị trường trong nước, giá chè tháng 6 tiếp tục giữ ở mức ổn định. Tại Thái Nguyên, giá là 105.000 đồng/kg đối với chè xanh búp khô,; 200.000 đồng/kg với chè cành chất lượng cao. Tại Lâm Đồng, chè nguyên liệu (búp tươi) sản xuất chè xanh loại 1 có giá 9.000 đồng/kg và 6.000 đồng/kg đối với chè nguyên liệu sản xuất chè đen.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu rõ: Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá chè sẽ có biến động mạnh trong tháng 7 và các tháng cuối năm.
Theo baohaiquan.vn