Đa dạng hóa các nguồn vốn tín dụng nông nghiệp
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang là yêu cầu cấp bách trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cùng với đó, ngành nông nghiệp rất cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ kèm theo để phục vụ quá trình tái cơ cấu, trong đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng dành cho nông nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự chuyển biến tích cực của vùng kinh tế nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp.
Việc ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp bà con nông dân có thể làm giàu từ nghề nông, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt là, nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của Ngân hàng Nhà nước đã từng bước góp phần tạo ra những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn; đồng thời, giải phóng năng lực sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn; bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó phải kể đến vai trò của các ngân hàng thương mại, các ngân hàng này đã đưa ra các gói tín dụng linh hoạt, ưu đãi hơn đối với cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn, trong năm 2014, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi 7 - 8% nhằm phục vụ các khách hàng là đại lý thu mua lúa gạo nông sản, vật tư nông nghiệp. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để cho vay xuất nhập khẩu nông sản với lãi suất từ 6 - 8%... Điều này đã và đang mở rộng cơ hội cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.
Hướng đi mới cho tín dụng tam nông
Với yêu cầu cấp bách đối với tín dụng dành cho nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều mạnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiến, để kích thích tiềm năng nông nghiệp của nước ta phát triển đúng hướng, tạo mọi điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất.
Ngày 9/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định này đã đưa ra một hệ thống chính sách đồng bộ không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Chính sách này được đánh giá là trợ lực để khơi thông nguồn vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70% - 80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... lên gấp 1,5 đến 2 lần.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm: Tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp nêu tại mức 3); Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp (trừ trường hợp nêu tại mức 3); Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp; Tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ phát triển mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Những cơ chế cụ thể và thiết thực này đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp phát triển, góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn.
theo tapchitaichinh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã