Thông thường việc đàm phán với cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu để có thể mở cửa được thị trường đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, cũng như các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan cũng như của doanh nghiệp xuất khẩu.
Việc đàm phán phải dựa trên việc đáp ứng được các yêu cầu điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh động vật và tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm dựa trên các tiêu chuẩn, quy định của quốc tế mà hiện nay các tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Hiệp định về kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO/SPS) được coi là thước đo để áp dụng.
Có thể nói để đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh theo OIE là rất khó khăn và luôn là những điều kiện tiên quyết. Đây cũng có thể coi là những khó khăn khách quan trong việc đàm phán. Chăn nuôi ở Việt Nam đã phát triển trong những năm gần đây với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi có mức đầu tư lớn theo hướng công nghiệp, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại rất nhiều những hộ gia đình chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, xen lẫn với các hệ thống trang trại lớn. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường không đảm bảo được tốt công tác phòng chống dịch bệnh, điều kiện an ninh sinh học kém, dẫn đến nguy cơ về dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến các hệ thống trang trại lớn.
Để đáp ứng được yêu cầu về điều kiện an toàn dịch bệnh, cũng như an toàn thực phẩm, Cục Thú y cũng đã xây dựng nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện về xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, xây dựng và thực hiện các chương trình giám sát dịch bệnh, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. Cục đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành Đề án 441 “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với heo tại tỉnh Thái Bình và Nam Định” và Đề án 440 “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh”. Việc triển khai thực hiện được các Đề án trên cần phải có sự nghiên cứu, lập kế hoạch thực hiện trong thời gian dài hạn với sự đầu tư lớn của nhà nước, doanh nghiệp cũng như người chăn nuôi, cũng như phải có sự quyết tâm rất lớn. Cùng đó tham mưu tổ chức 2 Hội thảo xúc tiến thương mại và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất, chế biến, giết mổ… Cục cũng tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện một số chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh như: chương trình quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long móng các giai đoạn từ 2006 đến 2020; Kế hoạch quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm giai đoạn 2014 - 2018; Chương trình quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2016 - 2020…
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã