Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, do thời gian Hoa Kỳ áp dụng quy định mới rất gấp nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng như hệ thống quản lý nhà nước Việt Nam.
Trước mắt, từ nay đến ngày 2/3/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với VASEP gửi cho Hoa Kỳ danh sách các doanh nghiệp có mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, ba sa vào Hoa Kỳ. Đồng thời cung cấp các thông tin cho Hoa Kỳ về các hệ thống luật pháp, hệ thống quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến cá tra, ba sa của Việt Nam theo như yêu cầu của phía Hoa Kỳ.
Kể từ tháng 3/2016, Việt Nam sẽ có 18 tháng chuyển tiếp. Trong 18 tháng này, Việt Nam phải cung cấp các tư liệu để chứng minh Việt Nam có hệ thống quản lý đối với sản xuất, chế biến cá da trơn tương đồng với Hoa Kỳ. Đây là quan ngại lớn, bởi hệ thống quản lý sản xuất, chế biến cá da trơn của Việt Nam và Mỹ đang có nhiều sự khác biệt, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá.
Với một khoảng thời gian ngắn như vậy, Việt Nam sẽ phải thay đổi được quy trình sản xuất, giám sát chất lượng theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát, đối chiếu thật cụ thể, chi tiết để xem giữa quy định của Việt Nam đang áp dụng so với quy định mới của Hoa Kỳ chỗ nào chưa phù hợp, chưa tương đồng để điều chỉnh.
“Nếu quy định, tiêu chuẩn nào còn vênh mà phù hợp với thông lệ quốc tế và có cơ sở khoa học thì nhất định chúng ta phải có sự thay đổi, điều chỉnh. Tuy nhiên, do thời gian Hoa Kỳ áp dụng quy định mới rất gấp nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những thảo luận trực tiếp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Ngày 2/12, Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) đã quyết định ban hành “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc Bộ Siluriformes; trong đó có cá tra, basa Việt Nam. “Quy định cuối cùng” được triển khai theo yêu cầu của Luật Nông nghiệp 2014 của Hoa Kỳ.
Trong đó có quy định, Hoa Kỳ sẽ áp dụng quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đối với cá tra, ba sa của tất các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn phải tương đương với tiêu chuẩn Hoa Kỳ đang áp dụng. Hoa Kỳ cũng sẽ thay đổi thẩm quyền giám sát các sản phẩm cá tra, cá ba sa (kể cả sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu) từ FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) như trước đây cho FSIS (Cục Kiểm dịch, Thanh tra An toàn thực phẩm Hoa Kỳ).
Trong giai đoạn chuyển giao thẩm quyền giám sát của FDA cho FSIS, Hoa Kỳ sẽ có giai đoạn chuyển đổi trong vòng 18 tháng (tính từ tháng 3/2015).
Trong thời gian này, FSIS sẽ tiến hành tái giám sát và lấy mẫu ngẫu nhiên ít nhất 1 lần/quý tại cơ sở nhập khẩu của Hoa Kỳ để giám định về chủng loại cá cũng như dư lượng hóa chất có trong các lô hàng cá thuộc Bộ Siluriformes nhập khẩu.
Sau khi kết thúc thời gian chuyển đổi 18 tháng này, các nước muốn tiếp tục xuất khẩu phải nộp tiếp hồ sơ để Hoa Kỳ xem xét tiêu chuẩn tương đồng.
Trước ngày 2/3/2016, các nước hiện đang xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa vào Hoa Kỳ, nếu có mong muốn tiếp tục xuất khẩu phải cung cấp danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện đang xuất khẩu, cũng như các tài liệu bằng văn bản để chứng minh thẩm quyền được xuất khẩu theo những quy định nhập khẩu hiện hành của FDA.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã