Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng phải bỏ cả kiểm dịch xuất – nhập khẩu sản phẩm thịt, trứng, sữa đã qua chế biến. Điều này đang gây lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ của các Hiệp hội, Doanh nghiệp, nhà quản lý và người chăn nuôi vì họ cho rằng trong bối cảnh đang và sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với thế giới, việc bỏ kiểm dịch, thực phẩm bẩn sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam gây hại ngành chăn nuôi và người tiêu dùng nước nhà...
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y đã chủ trì xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Theo đó, dự thảo sẽ cắt giảm tần suất lấy mẫu kiểm dịch 84% đối với sản phẩm động vật nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu (06 lô kiểm tra 01 lô); giảm tần suất lấy mẫu kiểm dịch 80% đối với sản phẩm động vật chế biến sâu như thịt, trứng, sữa; không kiểm dịch gần 20% các mặt hàng sản phẩm động vật; đối với thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không phải kiểm tra ADN và các sản phẩm động vật có nguy cơ thấp, DN được vận chuyển về kho bảo quản,...
Nếu không kiểm dịch sản phẩm chăn nuôi đã qua chế biến thì nguy cơ thực phẩm bẩn sẽ tràn vào Việt Nam |
Ngày 1/11/2018 Viện Nghiên cứu Kinh tế TƯ phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Rà soát đánh giá chất lượng các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực NN-PTNT: Vấn đề kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật, kiến nghị chính sách”. Qua đó tìm kiếm các giải pháp nhằm cải cách thủ tục kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp,....
Thảo luận về nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư 25, các đại biểu dự Hội thảo đánh giá cao nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo (đã cắt giảm rất nhiều về số lượng mẫu lấy xét nghiệm, các nhóm hàng không có kiểm dịch...). Tuy nhiên, chuyên gia của Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam - Euro Cham, Hiệp hội sữa Việt Nam lại đề nghị không kiểm dịch các sản phẩm thịt, trứng, sữa đã qua chế biến.
Cụ thể, không kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu các loại sản phẩm dạng đóng hộp thuộc nhóm thịt, sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật có nguồn gốc từ động vật trên cạn dạng tươi sống, hun khói, phơi khô, sấy, ướp muối, ướp lạnh, đông lạnh; không kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu các loại sản phẩm chế biến đối với nhóm lạp xưởng, pa tê, xúc xích, giăm bông, mỡ và các sản phẩm động vật khác dạng sơ chế; không kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu các loại sữa hộp, sữa bột, các sản phẩm từ sữa đối với nhóm sữa tươi, sữa chua, bơ, pho mát, sữa bánh và không kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu bột trứng và các sản phẩm từ trứng đối với nhóm trứng tươi, trứng muối của động vật trên cạn.
Sau khi có ý kiến đề nghị không kiểm dịch các sản phẩm thịt, trứng, sữa đã qua chế biến, Cục Thú y đã gửi văn bản cho 39 đơn vị liên quan (gồm các cơ quan quản lý, hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm thịt, trứng, sữa, mật ong chế biến) để xin ý kiến. Kết quả có 35/39 (chiếm tỷ lệ 89,74%) ý kiến đề nghị phải kiểm dịch sản phẩm thịt, trứng, sữa, mật ong chế biến để phù hợp với thông lệ quốc tế và các nước hiện nay đang áp dụng nhằm kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm,…; có 04/39 (chiếm tỷ lệ 10,26%) ý kiến đề nghị không kiểm dịch sản phẩm thịt, trứng, sữa, mật ong chế biến nhập khẩu, trong đó có ý kiến đề nghị bỏ kiểm dịch sản phẩm thịt, trứng, sữa nhập khẩu nhưng vẫn phải kiểm dịch các sản phẩm này để xuất khẩu.
Ngày 16/11/2018, Cục Thú y tiếp tục tổ chức họp với các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hiệp hội và các doanh nghiệp có liên quan để trao đổi, thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25. Hầu hết các đại biểu tham dự họp, nhất là các đại biểu của các hiệp hội cho rằng: Nếu chúng ta bỏ kiểm dịch, kiểm soát nhập khẩu sản phẩm thịt, trứng, sữa, mật ong chế biến thì sẽ gây hệ lụy rất nghiêm trọng. Trước hết là đối mặt với nguy cơ cao động vật chết, ốm, thịt, trứng, sữa hết hạn, sắp hết hạn,… (không được phép sử dụng làm thực phẩm cho con người) tại các nước trên thế giới sẽ được chế biến thành thịt đóng hộp, xúc xích, bột trứng, sữa đóng hộp… để xuất khẩu sang Việt Nam không có kiểm dịch, kiểm soát và gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Kế tiếp, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ cao các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam, nhất là các dịch bệnh chưa có ở Việt Nam như dịch tả lợn châu Phi gây chết 100% lợn mắc bệnh, bò điên,… hoặc các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và gây tử vong như bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao H7N9 gây tử vong khoảng 40% đối với người bị nhiễm, bệnh sẩy thai truyền nhiễm, bệnh lao bò,…
Nghiêm trọng hơn, khi các sản phẩm thịt, trứng, sữa chế biến từ các nước ồ ạt tràn vào Việt Nam, chúng ta sẽ không bảo vệ được người chăn nuôi trong nước, gây thiệt hại rất lớn, người chăn nuôi sẽ bỏ nghề, không có việc làm, gây mất ổn định an ninh chính trị xã hội nông thôn. Các doanh nghiệp đã và đang đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi để sản xuất sản phẩm chăn nuôi chế biến theo chuỗi khép kín có chất lượng cao để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sẽ khó tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra do phải cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu không qua kiểm dịch, kiểm soát theo thông lệ quốc tế và các nước đang áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Dư luận đặt câu hỏi rằng, ý kiến đề nghị bỏ kiểm dịch xuất – nhập khẩu sản phẩm thịt, trứng sữa đã chế biến liệu có đơn thuần là để cắt giảm các thủ tục hành chính hay là để bảo vệ, “dọn đường” cho các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm bẩn, hết “đát” vào Việt Nam? Điều đó có bảo vệ được ngành chăn nuôi, doanh nghiệp và người nông dân trong nước không? Vì sao các nước trên thế giới đang ra sức bảo hộ, dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước thì chúng ta lại bỏ đi? |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã