Mặt hàng thế mạnh bứt phá
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản cả nước ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng chủ lực có kim ngạch XK tăng cao như: Cà phê đạt 2,1 tỷ USD (tăng 7,9%), cao su 1,1 tỷ USD (tăng 59,2%), hạt điều 1,8 tỷ USD (tăng 24,2%), rau quả 2,03 tỷ USD (tăng 48,9%); gạo 1,47 tỷ USD (tăng 13,7%); thủy sản ước đạt 4,3 tỷ USD (tăng 17,5%); đồ gỗ và lâm sản chính ước đạt 4,4 tỷ USD (tăng 10,8%)…
Thủy sản đang là một trong những mặt hàng chủ lực của nhóm nông - lâm - thủy sản, trong đó tôm và cá tra có tốc độ tăng trưởng bứt phá. Cụ thể, chỉ tính riêng quý II, XK tôm đã tăng 28,2%, đạt 938,9 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm, XK tôm các loại đã đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tương tự đối với cá tra, dù gặp nhiều khó khăn như chịu thuế bán phá giá của Hoa Kỳ, bị truyền thông Tây Ban Nha "bôi xấu" nhưng mặt hàng này cũng mang về gần 1 tỷ USD sau 7 tháng. Các mặt hàng khác như: Cá ngừ, nhuyễn thể, mực và bạch tuộc… đều có kim ngạch XK tăng cao với mức tăng trưởng đều đặn. Dự kiến, kim ngạch XK thủy sản cả năm 2017 có thể đạt 8 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2016.
Với tốc độ tăng trưởng bứt phá, xuất sắc vượt qua mặt hàng gạo, rau, quả đã chính thức trở thành một trong những mặt hàng XK chủ lực của nhóm nông - lâm - thủy sản với kim ngạch XK 7 tháng đạt 2,03 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Các sản phẩm ngành chăn nuôi cũng có nhiều tín hiệu khả quan khi thời gian tới, thịt gà sẽ chính thức XK sang Nhật Bản sau quá trình dài chuẩn bị, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Sản phẩm thịt gà cũng đang được đàm phán để XK vào Hà Lan.
"Với diễn biến thị trường như vậy, cùng sự nỗ lực của các bên, mục tiêu 33 tỷ USD XK nông - lâm - thủy sản trong năm nay có nhiều dư địa thành hiện thực" - ông Toản chia sẻ.
Xây dựng chuỗi liên kết
Lạc quan về mục tiêu từ nay đến cuối năm nhưng ông Toản cũng bày tỏ, đòi hỏi của các thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh ngày càng lớn. "Đơn cử, với mặt hàng thịt lợn, dù có tiềm năng nhưng để mở cửa XK chính ngạch không hề dễ dàng, kể cả vào Trung Quốc" - ông Toản nhấn mạnh.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - thẳng thắn: Rào cản lớn nhất của thịt lợn chính là chất lượng. Do chất lượng chưa tốt nên không thể XK chính ngạch ngay lập tức. Giải pháp duy nhất với thịt lợn nói riêng và các sản phẩm nông - lâm - thủy sản nói chung là phải xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, hình thành được các DN lớn, đủ khả năng đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để cho ra đời các sản phẩm chất lượng, có như vậy, XK mới bền vững.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường nhập khẩu.
Năm 2017, kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản đặt mục tiêu tăng trưởng 3,05%, đạt 33 tỷ USD. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng trưởng tối thiểu 2%, chăn nuôi tăng 3%, thủy sản tăng 5% và lâm nghiệp tăng 6,6%. |
Phương Lan
http://baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã