Ông Nguyễn Thanh Mỹ (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, ông có nhu cầu vốn để dự trữ hàng kinh doanh cuối năm, nên đã tìm đến ngân hàng để nhờ hỗ trợ. Sau khi tìm hiểu tại Eximbank, lãi suất cho vay cá nhân vẫn ở mức hơn 10%/năm, nên ông đã tính lại bài toán sử dụng vốn vay.
Theo ông Mỹ, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay, nếu sử dụng vốn vay để kinh doanh, nhưng mức sinh lời thấp sẽ không đủ để trang trải chi phí, dễ dẫn đến thua lỗ.
Anh Nguyễn Văn Hai (quận 9, TP.HCM) chia sẻ, căn hộ chung cư Flora Anh Đào (quận 9. TP.HCM) mà anh vay mua tại TPBank đến nay đã được gần 2 năm, nhưng sau thời gian đầu ưu đãi, lãi suất hiện đã tăng thêm 1-2%/năm. Tương tự, chị Nguyễn Minh Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay, lãi suất khoản vay mua nhà của chị tại ANZ đã tăng thêm 1,5-2%/năm so với 1 năm trước.
Trên thực tế, để thu hút khách hàng vay vốn, các ngân hàng thường đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, nhưng ưu đãi chỉ áp dụng trong thời gian đầu, sau đó sẽ tăng trở lại. Đơn cử, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng thời điểm cuối năm, OCB có gói vay lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,99%/năm. Tuy nhiên, mức ưu đãi chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu. Sau đó, lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng (7,9%/năm) cộng thêm biên độ 3%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu khi lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm vẫn trong xu hướng nhích dần.
“Mặc dù vậy, lãi suất thấp chỉ là một phần. Điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm là tính ổn định của lãi suất cho vay để từ đó có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả”, ông Hiếu nhấn mạnh.
TS.Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, các ngân hàng cần nỗ lực cắt giảm chi phí đầu vào để có thể giảm thêm lãi suất cho vay, kích thích cầu vốn trung-dài hạn, bởi nguồn vốn trung- dài rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hoạt động ngân hàng trong tuần từ 16-20/10/2017, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Trong số các ngân hàng, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đang huy động kỳ hạn ngắn với lãi suất thấp, chỉ 4,3%/năm với kỳ hạn dưới 3 tháng, trong khi nhóm ngân hàng cổ phần cao hơn đáng kể. Chẳng hạn, tại VIB lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng là 5,4%/năm, còn 6 tháng là 5,5%/năm…
Về cho vay, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, từ 9-10%/năm đối với trung-dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-11%/năm đối với trung-dài hạn.
Thống kê của NHNN cũng cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần qua có xu hướng tăng nhẹ ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và giảm ở kỳ hạn 1 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần tăng lần lượt 0,02%/năm và 0,01%/năm, lên mức 1,24%/năm và 1,31%/năm; kỳ hạn 1 tháng giảm 0,11%/năm, xuống mức 1,52%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám NHNN - Chi nhánh TP.HCM chia sẻ, với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017, Chính phủ yêu cầu NHNN có giải pháp giảm lãi suất cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên.
Theo đó, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, đồng thời ra văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
“Đối với nhóm khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể chỉ từ 4-5%/năm”, ông Minh, nói, đồng thời nhấn mạnh, với các lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản, việc cho vay phải kiểm soát chặt chẽ.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, khác với các năm trước, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm nay, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, không còn tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và “thốc” lên vào cuối năm như trước đây.
“Kết thúc 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng trưởng khá cao so với một số năm gần đây. Trong đó, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp -nông thôn tăng 17,6%, công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, thương mại và dịch vụ tăng 18,1%”, ông Hưng nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã