Giá lúa gạo tăng So với hồi tháng 6/2012 (thời điểm bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu), giá lúa và gạo lứt nguyên liệu xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng từ 800-1.000 đồng/kg. Tại TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh như Hậu Giang, Vĩnh Long…, giá lúa khô loại thường từ 5.800-6.000 đồng/kg, lúa hạt dài 6.000-6.200 đồng/kg; giá lúa tươi được thương lái mua tận ruộng từ 5.200-5.500 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp mua gạo lứt nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm với giá 7.700-7.800 đồng/kg; gạo lứt làm ra gạo 15% và 25% tấm từ 7.600-7.700 đồng/kg. Theo nhiều nông dân và tiểu thương kinh doanh lúa gạo ở Cần Thơ, giá nhiều loại lúa tươi đã tăng khoảng 1.000 đồng/kg nhưng gạo lứt nguyên liệu chỉ tăng 800 đồng/kg so với trước. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do gần đây, sau khi đẩy mạnh thu mua lúa gạo tạm trữ trong vụ hè thu 2012, nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu chỉ tập trung xuất khẩu nên tạm thời không đẩy mạnh thu mua như trước. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chỉ điều chỉnh giá thu mua gạo lứt nguyên liệu tăng tương đối theo mức giá tăng của gạo xuất khẩu. Trong khi đó, vẫn được sự hỗ trợ tăng giá của nhiều loại gạo thành phẩm (khoảng 1.000 đồng/kg) ở thị trường nội địa nên giá lúa ở ĐBSCL tăng mạnh. Hơn nữa, các năm trước, thời điểm này, thường có một lượng lớn lúa gạo từ Campuchia bán sang nước ta thông qua hàng xáo để cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước nhưng năm nay, lúa gạo tại ĐBSCL lại được hàng xáo thu mua bán ngược qua Campuchia và chạy sang Thái Lan do Chính phủ Thái Lan đang thực hiện chính sách thu mua lúa gạo với giá cao cho nông dân. Tuy tăng nhiều so với vụ hè thu 2012 nhưng nhìn chung giá nhiều loại lúa gạo vẫn còn thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Với tình hình giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng, lượng lúa hàng hóa trong vụ thu đông thường không bằng các vụ trước do diện tích gieo sạ ít hơn, giới kinh doanh dự đoán giá lúa gạo sẽ còn tiếp tục tăng hoặc bình ổn trong thời gian tới. Song, giá lúa gạo trong nước sẽ không tăng đột biến vì nguồn cung lúa gạo trong nước vẫn dồi dào, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa. Nông dân có lời Ông Lê Văn Huyện ở xã Thạnh Phú (Cờ Đỏ - TP.Cần Thơ) chia sẻ: "Gia đình làm 5 công (1 công = 1.000m2) lúa sạ giống OM 4218. Mới chuẩn bị cắt, thương lái đã đến đặt cọc mua lúa tươi với giá 5.300 đồng/kg. Với mức giá này và năng suất ước đạt 800kg lúa tươi/công, nhiều nông dân cầm chắc lời khoảng 2 triệu đồng/công". Theo nhiều nông dân trồng lúa ở Cần Thơ, năm nay thời tiết nắng mưa thất thường và tình hình bệnh đạo ôn xuất hiện gây hại trên nhiều trà lúa thu đông 2012 khiến nhà nông không khỏi lo ngại lúa bị giảm năng suất. So với vụ thu đông trước, chỉ có một số trà lúa giảm năng suất nhưng mức độ giảm không đáng kể. Bù lại, nông dân rất phấn khởi vì lúa dễ tiêu thụ và bán được giá. Theo ông Lâm Minh Trí, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cờ Đỏ, hiện nông dân trên địa bàn đã thu hoạch được 1.150/13.820ha lúa thu đông 2012, năng suất của nhiều trà lúa sớm đạt khoảng 5 tấn/ha. Dự kiến khoảng 20 ngày nữa nông dân Cờ Đỏ sẽ thu hoạch dứt điểm lúa vụ thu đông. Đầu ra lúa hàng hóa đang khá thuận lợi. Đa số nông dân bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái nên cũng ít bị ảnh hưởng bởi trời mưa. Ông Phan Văn Năm, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Thạnh cho biết: "Dù nước lũ đang thấp nhưng ngành nông nghiệp huyện vẫn rất cảnh giác với khả năng gây hại của lũ đối với các trà lúa sạ muộn và tích cực thông tin, tuyên truyền kêu gọi người dân ở các vùng sản xuất lúa hợp tác chặt chẽ trong việc rà soát, gia cố lại các đoạn đê bao còn yếu". Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Cần Thơ, vụ thu đông 2012, nông dân trên địa bàn thành phố xuống giống hơn 58.300ha lúa, tăng 7,25% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 14/9/2012, nông dân đã thu hoạch được hơn 11.470ha lúa, năng suất đạt 5 tấn/ha, sản lượng hơn 57.300 tấn. Ước sản lượng cả vụ thu đông đạt hơn 249.400 tấn, cao hơn 19.000 tấn so với vụ thu đông 2011. Khánh Trung | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã