Trung Quốc đã chính thức áp thuế bổ sung lên tới 25% đối với 128 mặt hàng của Mỹ, từ thịt heo đông lạnh, rượu vang đến một số loại trái cây và các loại hạt, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhằm trả đũa cho chính sách thuế của Mỹ đối với nhập khẩu aluminium và thép. Chính sách thuế của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/4/2018, được Bộ Tài chính nước này thông báo vào cuối ngày 1/4 và khớp với danh sách hàng hóa Mỹ có thể bị Trung Quốc áp thuế lên tới 3 tỷ USD công bố ngày 23/3.
Nông dân đang cho heo ăn tại một trang trại bang Jowa, Mỹ Ảnh: Bloomberg
Ngay sau thông báo của Trung Quốc, một bài viết trên tờ báo Global Times được phát hành rộng rãi tại Trung Quốc cho rằng, nếu Mỹ từng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không trả đũa hoặc chỉ dám tiến hành các đòn gió thì Mỹ nên “quên ảo tưởng đó đi”. Mặc dù Trung Quốc và Mỹ không công khai rằng hai nước đang trong một cuộc chiến thương mại, các động thái gần đây cho thấy cuộc chiến đó đang leo thang, Global Times viết.
Hội đồng các nhà sản xuất thịt heo quốc gia Mỹ (NPPC) cho hay: “Điều này có thể tác động tiêu cực nghiêm trọng lên nông dân Mỹ”. Chủ tịch NPPC Jim Heimerl cho rằng: “Không ai chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại, ít nhất không phải là nông dân và người tiêu dùng”.
Đe dọa áp thuế cao lên nhập khẩu thịt heo Mỹ của Trung Quốc đang gây áp lực giảm mạnh lên giá heo tương lai trên thị trường Mỹ và cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn của nước này; đồng thời làm gia tăng lo ngại về giai đoạn khó khăn sắp tới cho nông dân chăn nuôi heo Mỹ khi nhu cầu yếu đi từ Trung Quốc - nước nhập khẩu thịt heo lớn nhất thế giới.
Nông dân chăn nuôi heo Mỹ đã lo lắng hàng tháng trời rằng, căng thẳng thương mại leo thang sẽ gây tác động xấu tới xuất khẩu đậu tương và các nông sản khác. Trung Quốc nhập khẩu 19,6 tỷ USD các hàng hóa nông sản của Mỹ trong năm 2017; trong đó đậu tương chiếm tới 12,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường chính của thịt heo Mỹ do các nhà nhập khẩu Trung Quốc mua các phần của heo mà người tiêu dùng các nước khác ít đụng đến như chân giò, móng và các phần nội tạng. Năm 2017, nông dân Mỹ đã xuất khẩu 1,1 tỷ USD các sản phẩm thịt heo sang Trung Quốc và Hồng Kông, đưa thị trường này trở thành thị trường lớn thứ 3 của Mỹ về giá trị. Mức thuế tăng thêm này khiến các nhà cung cấp thịt heo Mỹ như Smithfield Foods, thuộc sở hữu của WH Group (Trung Quốc) và JBS SA giảm giá cổ phiếu.
Đơn cử như WH Group, hiện đang sở hữu Smithfield Foods tại Mỹ, nhà sản xuất thịt heo lớn thứ 2 thế giới, có thể chịu thiệt hại nặng nề bởi chính sách áp thuế bổ sung của Trung Quốc đối với thịt heo Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc. Báo cáo từ CNN cho hay, kể từ khi Trung Quốc tiết lộ kế hoạch tăng thuế đối với thịt heo Mỹ trong tháng 3, giá cổ phiếu của WH Group đã giảm hơn 11%. Báo cáo cũng dẫn lời Valerie Law, một nhà phân tích độc lập tại Singapore luôn theo dõi cổ phiếu của WH Group cho rằng, mức thuế 25% có thể làm giảm lợi nhuận hoạt động của Công ty này tới 12 - 18%.
Báo cáo từ các tổ chức thế giới cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt heo của Trung Quốc khoảng 53 triệu tấn/năm. Mỗi năm nước này nhập chính ngạch khoảng 1,5 triệu tấn thịt heo. Mặc dù Trung Quốc có thể dựa nhiều vào các nguồn cung nội địa khi nước này đang triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh chăn nuôi quy mô lớn và siêu lớn. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức xảy ra, Trung Quốc vẫn buộc phải tìm nguồn thay thế. Đây là cơ hội không nhỏ đối với các quốc gia cung cấp thịt heo khác như Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Nga và cả Việt Nam.
Xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Mỹ theo định hướng của người tiêu dùng sang Trung Quốc
Rebecca Oborne, Chuyên gia phân tích tại Cục Phát triển Nông nghiệp và Làm vườn nói: “Với nhu cầu cơ bản như vậy, Trung Quốc cần ít nhất một số sản phẩm thay thế từ thị trường toàn cầu, kể cả EU”.
Riêng với ngành thịt heo Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh nhận định: Xét về vị trí địa lý, Việt Nam có cơ hội khá rõ nét. Tuy nhiên, Trung Quốc nhập khẩu thịt heo Mỹ chủ yếu là các mặt hàng đông lạnh; chất lượng, an toàn và kiểm dịch để phục vụ phân khúc cao. Theo đó, thị trường thay thế trực tiếp sẽ là các nước có nền chăn nuôi phát triển như châu Âu, Canada... Trong khi đó, Việt Nam đang xuất heo qua Trung Quốc chủ yếu là heo sống và đáp ứng nhu cầu tại chỗ của các tỉnh giáp biên. Tuy nhiên, khi nguồn hàng khan hiếm, người tiêu dùng có thể sẽ mở rộng lựa chọn và thịt heo tươi sống của Việt Nam vẫn có cơ hội. “Cơ hội là có nhưng chúng ta cũng không nên quá lạc quan hay kỳ vọng lớn vào nó”, TS Ngãi khuyến cáo.
>> Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2017, Trung Quốc nhập 1,2 triệu tấn thịt heo; trong đó EU chiếm khoảng 65% và Mỹ 14%. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã