Sau thời gian dài rau rẻ như bèo, nay giá rau xanh ở Hà Nội lại tiếp tục đà tăng khá, bởi ảnh hưởng của thời tiết mưa rét kéo dài thời gian qua. Nhưng đáng chú ý là chênh lệch giá bán từ người sản xuất tới người tiêu dùng đã giảm. Người trồng rau ít nhiều được hưởng lợi, "dễ thở" hơn trước.
Chị Chi- nông dân xã Vân Nội (Đông Anh) phấn khởi cho biết, hiện tại đang là thời điểm cuối vụ Đông nên giá rau xanh tăng cao. Mặt khác, thời tiết mưa phùn kéo dài cả tháng nay khiến hầu hết các loại rau không sinh trưởng, phát triển được nên nguồn cung giảm sút. Giá rau tại chân ruộng cũng tăng lên từng ngày.
Cụ thể, cải xanh hiện tại được bán 30.000 đ/kg, cà chua 6.000 đ/kg; đậu cô ve 16.000 đ/kg; cà rốt 6.000 đ/kg; su hào 5.000 đ/củ; cải làn 30.000 đ/kg… tăng gấp rưỡi so với cách đây khoảng chục ngày.
Theo anh Hoàng, thôn Nhì, xã Vân Nội (Đông Anh), vài ngày trước, su hào bán tại ruộng chỉ được 4.500 đ/củ thì hôm nay đã tăng lên mức 5.000 đ/củ. Thời tiết này không thuận lợi cho các loại rau cải phát triển nên các loại rau cải đều tăng giá mạnh. Mưa nhiều cũng gây dập nát, mã rau xấu nhưng không ảnh hưởng nhiều tới lượng tiêu thụ.
Đáng chú ý, ở thời điểm hiện tại, chênh lệch giá rau xanh từ người sản xuất tới tay người tiêu dùng đã giảm đi đáng kể so với trước kia, khi nguồn cung rau dồi dào và sức mua ổn định. Trước kia mỗi khi giá rau xanh bán lẻ tại các chợ tăng chóng mặt thì người trồng rau vẫn không vui, bởi giá bán buôn tại đầu ruộng có lúc chỉ bằng 1/3 giá bán lẻ.
Ghi nhận tại các chợ cho thấy, phần lớn các loại rau xanh đều kém tươi non. Các loại rau cải cây rất ngắn và giá cao. Cụ thể, rau cải ngọt 5.000 đ/mớ; su hào 7.000 đ/củ; cà chua 9.000 đ/kg; cải thảo 15.000 đ/kg; rau cần 12.000 đ/kg; súp lơ xanh 13.000 đ/cây.
Một tiểu thương chợ Thành Công cho hay: “Giá rau xanh bây giờ đắt, đắt từ nguồn nhập vào. Hàng bán chậm, người tiêu dùng khó khăn nên chúng tôi không được lãi nhiều. Nếu cứ tính chênh lệch giá rau từ ruộng tới người dân như ngày xưa thì càng ế ẩm hơn”. Điều này chứng tỏ chi phí cho các khâu trung gian đã được điều tiết giảm, do người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Cả người trồng rau và người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ đây.
Chị Huyền tại chợ Thịnh Liệt- Hoàng Mai, cho hay, các bà nội trợ bây giờ tính toán rất chi li cho bữa ăn. Ví dụ như nếu mớ mồng tơi giá 8.000 đ thì nhiều người sẽ chuyển sang mua su hào với giá 6.000 đ/củ, dù đổi bữa sang mồng tơi sẽ ngon hơn. “Không tính toán không được, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng trong khi thu nhập đã cố định” - chị Huyền nói.
Thông tin dự báo thời tiết cho biết, trong những ngày tới mưa rét còn tiếp diễn, làm dấy lên lo ngại thiếu nguồn cung rau hoặc diễn biến giá mặt hàng này còn phức tạp. Nhưng theo Chi cục BVTV Hà Nội, hiện tại đã vào cuối vụ rau nên lượng cung cấp ra thị trường có giảm. Thêm vào đó, mưa kéo dài quá lâu đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của rau khiến giá rau tăng.
Nếu thời tiết thuận lợi hơn, mưa dứt, ấm dần giá rau sẽ “hạ nhiệt” ngay, vì rau ăn lá sinh trưởng rất nhanh, không lo thiếu.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã