Nông dân các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông xuân 2014 - 2015. Được mùa, nhưng giá lúa lại thấp, cùng với lượng gạo thành phẩm trong kho chưa có đầu ra, nên các doanh nghiệp thu mua lúa gạo không “mặn mà” với sản phẩm “một nắng, hai sương” của nông dân.
Ngoài áp lực giá lúa “rớt giá” và khó tiêu thụ, nông dân nhiều nơi còn phải đối diện với cảnh không ít doanh nghiệp không mua lúa trực tiếp mà thông qua “cò” ép giá. Sở dĩ có hiện tượng “cò” lúa là vì nhiều nơi, nông dân không ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp thu mua lúa gạo.
Nhằm giảm gánh nặng cho nông dân, ổn định thị trường, Chính phủ đã quyết định việc mua tạm trữ thóc, gạo với số lượng 1 triệu tấn quy gạo, thời gian bắt đầu từ 1/3 đến hết 15/4/2015. Việc thu mua tạm trữ gạo có tính đến sản lượng lúa hàng hóa của từng địa phương và ưu tiên tiêu thụ lúa hàng hóa từ cánh đồng mẫu lớn.
Mỗi lần lúa “rớt giá”, Nhà nước lại tìm cách hỗ trợ nông dân. Đây là việc làm cần thiết, nhưng nếu duy trì mãi sẽ làm cho thị trường lúa gạo trong nước khó "kháng cự" trước sức cạnh tranh quyết liệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc hình thành những cánh đồng đồng mẫu lớn nhằm tập trung nâng cao chất lượng lúa gạo và gia tăng giá trị là cần thiết. Mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ thành công hơn khi đi cùng với nó là chiến lược về lúa gạo gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chừng nào các doanh nghiệp thu mua lúa gạo không thực sự là “bà đỡ” của nông dân về đầu ra, thì tình trạng “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa” vẫn tiếp tục "đeo bám" nông dân.
Các nước có tiềm năng xuất khẩu gạo lớn như: Ấn Độ, Thái Lan... đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam. Để cạnh tranh lành mạnh, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cần phải không ngừng đổi mới, phải xây dựng được quan hệ thương mại trực tiếp với đối tác nước ngoài, phải tự tổ chức xuất khẩu (thay vì xuất khẩu qua trung gian)...
Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo là lĩnh vực vốn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro (đặc biệt là yếu tố thời tiết và thiên tai). Ngoài sự nỗ lực của nông dân và doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ của các Bộ, ngành liên quan về việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; về ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng gạo...
Khi có sự chung tay của “4 nhà” (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước), nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh khi “vươn ra biển lớn”./.
Đăng Dương theo dangcongsan |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã