Bằng nhiều giải pháp, các TCTD đã và đang đẩy mạnh, mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DNNVV; DN ứng dụng công nghệ cao) theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN. Nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực này góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông cho biết, đến ngày trung tuần tháng 8/2015, tín dụng tăng 8,3% so với cuối năm 2014 cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên khá tốt như cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 8,6%; cho vay DN ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi tăng tới 19% - 20%. Tín dụng DNNVV cũng tăng khá…
Con số này cho thấy tín dụng cho “tam nông” vẫn chiếm ưu thế vượt trội trong việc thu hút đồng vốn từ các NHTM. Không chỉ ưu đãi lãi suất, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này cũng được NHNN triển khai đa dạng như: chương trình cho vay tái canh cà phê; cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch, cho vay theo chuỗi liên kết giá trị; tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới tại vùng sâu, vùng xa phù hợp với điều kiện thực tế…
Mới đây, Nghị định 55/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã cho phép các cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thể vay không cần tài sản thế chấp tối đa lên đến 3 tỷ đồng. Đây được xem là mức trần lớn và rất sát thực tế.
Khu vực nông nghiệp nông thôn đóng góp 18% GDP, chiếm 47% lực lượng lao động... Đây là cơ sở, là lực lượng, động lực để kinh tế phát triển bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái… Thêm nữa, đây là lĩnh vực có nhu cầu vốn lớn trong đầu tư về máy móc, trang thiết bị, phân bón, nguyên liệu…
Điều này lý giải cho việc vì sao nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, chú trọng đầu tư. Bởi “bơm” tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn là cách để thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở khu vực vốn còn nhiều khó khăn này.
Hiện nay, cho vay trong lĩnh vực này Agribank – NH của nhà nông vẫn đang đứng đầu. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank tính đến 31/7/2015 đạt 566.716 tỷ đồng, đạt 75,2% tổng dư nợ. Agribank cũng là NH triển khai cho vay Xây dựng nông thôn mới với dư nợ cho chương trình này lên đến 233.841 tỷ đồng.
Cùng với nông nghiệp, nông thôn, cho vay với đối tượng DNNVV cũng đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. DNNVV là bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, chiếm 97% tổng số DN trên cả nước. Đối tượng này đóng góp đáng kể vào thu nhập trong nền kinh tế quốc dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đầu tư vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh giúp nền kinh tế tăng trưởng, hội nhập, đảm bảo an sinh xã hội.
Không chỉ có vậy, lĩnh vực này còn là cái nôi sản sinh ra nguồn nhân lực chất lượng cao, từ doanh nhân cho tới người công nhân, người thợ có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập. Phát triển DNNVV là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Nếu như tín dụng nông nghiệp, nông thôn là mảnh đất màu mỡ và có phần “ưu ái” cho Agribank thì với DNNVV, cơ hội chia đều cho tất cả các TCTD.
Thời gian qua, với chương trình kết nối NH - DN, nhiều NHTM đã chủ động tiếp cận được các DN đang gặp khó khăn vay vốn sản xuất kinh doanh. Đây được xem là giải pháp hiệu quả, giải bài toán tài chính vốn chưa khi nào suôn sẻ với các DNNVV.
Các NHTM đồng loạt đưa ra các chương trình, chính sách hỗ trợ về lãi suất, đơn giản thủ tục vay vốn… giúp DN tiếp cận được nguồn vốn, sử dụng có hiệu quả để ổn định và phát triển, mở rộng sản xuất. Không ít DNNVV từ vốn vay của NH đã có bước tiến vượt bậc, dần bước ra khỏi ranh giới của DNNVV. VietinBank, VPBank, SHB, Techcombank… là một trong số những NHTM tiêu biểu dành nhiều ưu đãi hỗ trợ cho DNNVV.
Lãnh đạo VPBank cho biết, NH này xác định DNNVV là phân khúc khách hàng quan trọng nằm trong chiến lược phát triển chung của VPBank. Vốn NH tiếp thêm sức mạnh cho DNNVV, và chính các DN này cũng là đối tượng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho NH trong tương lai.
Minh Khuê
theo thoibaonganhang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã