Xuất “tỷ đô” vẫn lo, vẫn lỗ…
Báo cáo mới nhất từ Bộ NNPTNT cho thấy, 9 tháng đầu năm XK cao su đạt 705 nghìn tấn với giá trị đạt 1,25 tỷ USD, giảm 2,4% về khối lượng và giảm 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Cao su là một trong những mặt hàng XK đem về tỷ USD song cũng nổi tiếng là mặt hàng thua lỗ, “chết đứng” suốt từ đầu năm đến nay. Giá cao su thì lao dốc không phanh. Chỉ năm ngoái, giá xuất của mặt hàng này lên tới vài nghìn USD/tấn thì nay chỉ còn bình quân 1.800 USD/tấn, giảm 24,5%. Các thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc (TQ) và Malaysia thì liên tục giảm sút. Cụ thể 9 tháng đầu năm nay, TQ giảm 23,64% về khối lượng cao su nhập của ta và giảm 34,41% về giá trị; Malaysia giảm 14,04% về khối lượng và giảm 39,55% về giá trị. Nhiều chuyên gia lo ngại, những tháng còn lại của năm nay, giá cao su XK sẽ còn giảm tiếp và ngành cao su một năm lỗ lã không còn là điều khó dự báo nữa.
Mặt hàng tỷ USD thứ hai là trái cây thì XK cũng chênh vênh không kém. 9 tháng đầu năm nay, TQ vẫn giữ vị trí “quán quân” trong nhập khẩu trái cây Việt Nam. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2014, giá trị XK trái cây của ta sang TQ đã ở mức 449 triệu USD (chiếm 26,4% tổng kim ngạch XK).
Trái cây của Việt Nam vẫn đang quá lệ thuộc vào TQ, đến nỗi khi biến động Biển Đông xảy ra hồi tháng 5, trái cây Việt gần như “ngoắc ngoải” khi TQ không “ăn hàng”, giờ thì việc xuất trái cây vào TQ vẫn đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, không biết sẽ biến động ra sao từ nay tới cuối năm.
PGS-TS Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam đã không ít lần cảnh báo rằng, XK trái cây của ta không sợ thị trường TQ mà chỉ sợ “biên giới TQ” bởi vùng biên này mỗi khi “giở chứng” là hàng chục tấn rau quả của Việt Nam sẽ bị kẹt cứng, thậm chí phải đổ bỏ hoàn toàn. Song biết là nguy hiểm vậy, Việt Nam vẫn đang chỉ dựa vào TQ là hướng đi chủ yếu cho trái cây từ nay đến cuối năm.
Mặt hàng thứ 3 có thể kể đến là hạt tiêu. 9 tháng đầu năm nay, XK tiêu lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, khối lượng tiêu XK tháng 9.2014 ước đạt 7 nghìn tấn, với giá trị đạt 68 triệu USD, đưa khối lượng XK tiêu 9 tháng đầu năm 2014 đạt 140 nghìn tấn với giá trị 1,06 tỷ USD, tăng 24,5% về khối lượng và tăng 41,9% giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Những tưởng là mừng vì giá tiêu năm nay đạt bình quân tới 7.459 USD/tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013 song nỗi lo về “phá” chất lượng, quy hoạch của hạt tiêu đã ập đến.
Đừng chạy theo cái lợi trước mắt…
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, XK nông sản của ta luôn chênh vênh, lúc trồi lúc sụt, lúc “chết đứng” do chúng ta chỉ chạy theo cái lợi trước mắt trong XK nông sản nói chung. “Nông dân làm ăn không bài bản, DN làm ăn cũng xổi thì trong khi XK nông sản bền vững đòi hỏi thương hiệu, chất lượng, ổn định, tận tâm”-ông Thắng nói.
Mới đây, nhiều thị trường đã mở cửa cho nông sản của ta, như Mỹ mở cho trái cây, Nga mở cho cá tra và nhiều nông thủy sản khác… Thế nhưng thay vì cùng nhau hợp tác để đẩy mạnh XK thì mới đây, một số DN Việt Nam XK cá tra sang Nga đã liên kết với một số DN ở nước này độc quyền XK khiến Ủy ban chống độc quyền Liên bang Nga đã có quyết định xử lý vụ vi phạm luật chống độc quyền qua việc cản trở tiếp cận thị trường hàng hóa sản phẩm phi – lê cá tra/ba sa đông lạnh Việt Nam. Nếu không có sự can thiệp sớm thì việc độc quyền XK và lợi ích nhóm của DN sẽ gây hại cho thị trường chung. “Rõ ràng đây là điểm yếu của các DN XK nông sản Việt Nam đã kéo chính năng lực XK nông sản của Việt Nam đi xuống, dù các vụ việc như trên không phải là phổ biến”-TS Nguyễn Việt Thắng- Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói.
Ông Nguyễn Khánh Tùng-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Đầu tư và du lịch TP.Cần Thơ cũng thừa nhận, các DN XK nông sản Việt Nam còn chưa chú trọng nhiều vào việc xây dựng thiết kế sản phẩm, thiếu vốn, trình độ quản lý chưa cao nên DN chưa có điều kiện trang bị các kiến thức về XK.
“Hoạt động XK ở khu vực ĐBSCL hiện nay chủ yếu vẫn là XK thô, ví dụ mặt hàng cá tra mới chỉ phi lê rồi XK mà chưa có hoạt động chế biến sâu” – ông Tùng cho hay.
Sản phẩm nông sản chưa đạt tiêu chuẩn XK, đặc biệt là XK sang các thị trường lớn và khó tính cũng là một trong những hạn chế của các DN Việt Nam. Theo ông Nguyễn Khanh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang hiện có 38 nghìn ha trồng vải, trong đó có 8 nghìn ha xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng sản xuất theo tiêu chuẩn này mới chỉ giúp địa phương XK được sang TQ. Bên cạnh đó, diện tích vải có thể chuyển đổi sang tiêu chuẩn GlobalGAP, nhưng những tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ phải triển khai như thế nào, địa phương và doanh nghiệp chưa được biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã