Nhiều nông dân trồng mè tại Phú Yên thua lỗ vì sản xuất theo phong trào.
Cụ thể, giá hạt mè khô giao động ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Bên cạnh đó, do thời tiết khô hạn nên vụ mè năm nay năng suất cũng rất thấp.
Đi dọc Quốc lộ 25, đoạn qua các xã Krông Pa, Ea Chà Rang, Suối Bạc… của huyện Sơn Hòa, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh nông dân địa phương thu hoạch mè. Ông Nguyễn Xuân Ngọc, ở xã Suối Bạc, trồng được 1,5ha mè, cho biết, người trồng mè đang đứng ngồi không yên vì năm nay mè đậu trái nhiều nhưng bên trong chẳng có mấy hạt. Những năm trước, trung bình mỗi mùa, gia đình ông thu lãi hơn 20 triệu đồng từ mè. Còn với mức giá thương lái thu mua như năm nay, ông chỉ đủ trả tiền công phơi, đập mè chứ không có lãi. “Đây là vụ mè rớt giá thảm hại nhất từ trước đến nay. Giá thấp và mất mùa đã khiến người trồng lao đao”, ông Ngọc nói.
Bà Hồ Xuân Tuyết ở huyện Đồng Xuân rầu rĩ: Những năm trước, gia đình tôi trồng hơn 2ha mè, thu hoạch khoảng 500kg, bán với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, do nắng hạn kéo dài nên nhiều diện tích mè bị chết, số còn lại kém phát triển nên năng suất rất thấp. Cây mè từ lúc làm đất, gieo hạt đến khi thu hoạch chỉ mất hơn 2 tháng, gần như không tốn công chăm sóc, nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Vụ năm nay, gia đình tôi trồng 2ha mè nhưng chỉ thu được chưa tới 100kg, giảm tới 400kg so với vụ trước. Không chỉ mất mùa, giá mè năm nay cũng sụt giảm mạnh, đầu vụ đạt 32.000-35.000đồng/kg, bây giờ rớt xuống chỉ còn 30.000-31.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân chỉ huề vốn hoặc thua lỗ chứ không có lãi”.
Ở huyện Sông Hinh, nông dân cũng chịu thiệt hại nặng vì chạy đua theo “phong trào” trồng mè. Chị Kpá Hờ Hen, người trồng mè ở xã Đức Bình Tây, vừa sàng lô mè mới đập xong vừa cho biết: “Mùa trước thấy người quen trồng 3ha mè mà lời tới vài chục triệu đồng, vả lại làm mè nhàn, chi phí giống, cày bừa, thu hoạch thấp hơn nhiều so với các loại cây hoa màu khác nên tôi trồng theo. Ai ngờ, hạn hán nặng quá làm hạt mè lép, thu hoạch hết đám mà chưa đủ 23kg mè giống lúc gieo. Nếu giá cả vẫn giữ như năm trước thì mọi người cũng đỡ được phần nào tiền công, tiền giống chứ cứ kiểu này năm sau lại quay về trồng sắn thôi. Buồn quá!”.
Không chỉ riêng gia đình ông Ngọc, bà Tuyết, chị Hờ Hen mà nhiều nông dân trồng mè ở Phú Yên cũng chung cảnh ngộ này. Chị Phan Thanh Hồng, chủ cơ sở thu mua mè ở Phú Yên cho biết, chị vừa thuê xe đưa gần 10 tấn mè vào Nam bán. Bốn năm qua, chị đưa mè ra phía Bắc tiêu thụ nhưng năm nay giá xuống thấp nên chị kiếm đầu mối mua bán ở trong Nam để giảm chi phí vận chuyển. Những năm trước, trung bình một xe có thể chở đến 20 tấn mè hoặc nhiều hơn, nhưng hiện nay vì quản lý tải trọng nên chủ xe chỉ đồng ý chở đúng tải. “Chúng tôi là tiểu thương rất muốn mua giá cao cho nông dân, nhưng vì điều kiện xe cộ nên số lần đi lại nhiều hơn, chi phí phát sinh nhiều, buộc phải hạ giá mua để bù lại”, chị Hồng nói.
Không chỉ nông dân Phú Yên đang phải gồng mình vì mè rớt giá, mất mùa mà tại các địa phương khác thuộc Tây Nguyên, giá mè cũng đang có chiều hướng đi xuống. Đây là hậu quả của việc trồng theo phong trào, một vấn đề đã cũ, nông dân đã nếm nhiều “quả đắng” nhưng dường như vẫn chưa rút ra được bài học kinh nghiệm.
Anh Thi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã