Hàng Thái Lan chiếm lĩnh kênh phân phối của Việt Nam.
Hơn 60% rau quả nhập từ Thái Lan
Những tháng đầu năm 2017, nước ta liên tiếp NS tương đối mạnh. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, nhập siêu (NS) cả nước trong tám tháng đầu năm khoảng 2,13 tỷ USD, bằng 1,6% kim ngạch xuất khẩu (XK). Theo các cơ quan chức năng, kim ngạch NK tăng cao hơn kim ngạch XK dẫn đến NS những tháng đầu năm là do NK nguyên phụ liệu, máy móc phục vụ sản xuất từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ tăng cao. Tuy nhiên, bên cạnh việc NK nguyên phụ liệu, áp lực NK còn đến từ việc NK hàng tiêu dùng, nông sản, rau quả… Đây là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Đơn cử, là đối tác lớn nhất của Việt Nam tại khu vực ASEAN, nhiều năm nay, nước ta liên tiếp NS từ Thái Lan. Theo Bộ Công thương, trong tám tháng đầu năm, Việt Nam XK sang Thái Lan 3,06 tỷ USD và NK 6,5 tỷ USD; NS khoảng 3,4 tỷ USD. Hiện Thái Lan chính thức vượt Nhật Bản, trở thành thị trường NK lớn thứ tư của nước ta, chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch NK. Hiện nay chúng ta đang NK từ Thái Lan nhiều mặt hàng có giá trị cao như đồ điện gia dụng, ô tô và phụ tùng ô tô, xăng dầu, hóa chất và sản phẩm hóa chất, rau quả…
Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất, theo ông Lê Quốc Phương – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), ta đang NK một lượng lớn rau quả từ Thái Lan (chiếm đến hơn 60% tổng lượng rau quả NK cả nước), trong đó rất nhiều sản phẩm trong nước sản xuất được.
Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị NK mặt hàng rau quả tám tháng đầu năm 2017 đạt hơn một tỷ USD, tăng tới 94% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 190 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016 và mặt hàng quả đạt 809 triệu USD, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường NK rau quả lớn nhất trong những tháng đầu năm 2017 là Thái Lan, chiếm gần 62% thị phần, tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 16% thị phần.
“So với rau quả Việt Nam, rau quả Thái Lan có chất lượng tốt hơn và giá cả rất cạnh tranh. Chưa kể, rau quả Thái Lan nói riêng và hàng hóa Thái Lan còn được hậu thuẫn bởi hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại của các “đại gia” Thái Lan như Big C, MM Mega Market (thương hiệu mới của Metro)… Ngoài ra, DN Thái Lan triển khai rất nhiều chương trình hội chợ, tiếp thị hàng Thái Lan về sâu các khu chợ truyền thống nên rau quả Thái Lan hiện có mặt ở hầu hết các khu chợ gần các khu dân cư của Việt Nam”, ông Phương cho biết.
Rau quả Thái Lan nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt Nam nên các DN cũng giảm NK hàng Trung Quốc và tăng nhập khẩu rau quả từ các nước lân cận mà Thái Lan là thị trường tốt cả về vị trí địa lý, chất lượng, giá cả.
Bên cạnh việc NK để phục vụ tiêu dùng của người dân, hiện DN Việt Nam còn tăng cường NK trái cây từ Thái Lan để chế biến rồi XK sang các nước khác, đặc biệt là quả nhãn và quả sầu riêng nên đã làm gia tăng kim ngạch NK rau quả từ thị trường này.
Dựng rào và nâng mình
Về xu hướng thương mại của nước ta và Thái Lan trong thời gian tới, ông Lê Quốc Phương nhận định, theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế NK ô tô từ khu vực ASEAN đã giảm từ 50% về 40%, năm 2017 giảm về 30% và đến năm 2018 về 0%. Như vậy, dự báo trong năm 2018, lượng xe ô tô NK từ Thái Lan sẽ còn tăng cao và Thái Lan sẽ tiếp tục dẫn đầu về cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam, bỏ xa các đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, gây áp lực lên NS.
Nhờ những cam kết giảm thuế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là rau quả NK từ Thái Lan được hưởng lợi lớn sẽ tiếp tục gây áp lực lên NK trong thời gian tới. Chưa kể, trong thời gian ngắn, không thể hạn chế NK rau quả từ quốc gia này ngay lập tức, bởi hàng hóa trong nước chưa đủ sức cạnh tranh. Do đó, dự kiến năm 2017, NS từ Thái Lan có thể đạt từ 6 - 7 tỷ USD, cao hơn con số 5,2 tỷ USD của năm ngoái.
Ông Lê Quốc Phương phân tích thêm: “Trong thương mại hiện đại, việc NK rau quả là chuyện bình thường, có xuất thì có nhập. Nhưng sẽ là không bình thường nếu NK nhiều mặt hàng trong nước hoàn toàn sản xuất được và đây là điều cơ quan quản lý phải quan tâm”.
Theo đó, không thể dùng biện pháp hạn chế NK bằng cách cấm mà phải quản lý chặt chẽ chất lượng rau quả NK, kiên quyết không NK các mặt hàng chất lượng kém mà trong nước đã sản xuất được.
Đối với DN, do nguyên nhân chính là sức cạnh tranh hàng hóa còn yếu, giải pháp duy nhất để giảm NS từ Thái Lan chính là phải làm sao nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa XK cả về chất lượng và giá cả. Riêng rau quả, phải sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Ngoài ra, thay đổi chiến lược xúc tiến thương mại để hàng hóa Việt được thị trường Thái Lan biết đến nhiều hơn, từ đó gia tăng XK, giảm áp lực NS.
Theo Hà Anh/nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã