Nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới liên tục tăng trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới - đây là động lực chính dẫn tới sản xuất và xuất khẩu rau quả Việt Nam đang có cơ hội phát triển mạnh.
Tuy nhiên, những tồn tại của ngành nông lâm thủy sản nói chung, nhóm hàng rau quả nói riêng vẫn chưa được giải quyết, vẫn xảy ra tình trạng dư thừa, gây thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp, tạo ra nhiều phản ứng tiêu cực của dư luận xã hội.
Sản lượng phải đồng hành với chất lượng
Những khó khăn cơ bản của rau quả Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là do chất lượng chưa được cải thiện, phương thức sản xuất kinh doanh lạc hậu, thiếu chủ động. Trong khi đó, yêu cầu về chất lượng hàng hóa của các nước nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao hơn, cùng với đó là sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu rau quả khác ngày càng gay gắt trên cả phương diện chất lượng hàng hóa, giá cả hàng hóa và phương thức kinh doanh.
Phân tích của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho thấy, việc thu hái, sơ chế và bảo quản rau quả ở nước ta vẫn đang được tiến hành thủ công, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn hạn chế dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp nhưng giá thành lại bị đội lên.
Cá biệt vẫn còn tình trạng lạm dụng các loại hóa chất độc hại trong chế biến, bảo quản rau quả tươi khiến sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là rào cản lớn nhất đối với rau quả xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chỉ rõ: Xuất khẩu rau quả của Việt Nam luôn bị hạn chế khi đứng trước hai rào cản lớn là quy định bảo vệ thực vật và an toàn thực vật ngày càng nghiêm ngặt. Nếu rau quả vượt qua được hai rào cản này sẽ phát huy tốt tiềm năng khai thác xuất khẩu, khi đã có sẵn lợi thế về chất lượng, thế mạnh về mùa vụ sản xuất và giá thành mà sản phẩm của nhiều nước xuất khẩu khác không có được.
“Có rất nhiều thời cơ để chúng ta có thể xuất khẩu rau quả có giá trị cao, nhưng rau quả của chúng ta đã gặp không ít thách thức và khó khăn khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, người trồng phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, từ đó khiến rau quả không đáp ứng được yêu cầu của nhiều nước nhập khẩu”, ông Hồng cảnh báo.
Ngoài ra, ông Hồng cũng cho rằng, công tác xuất khẩu rau quả còn gặp nhiều trở ngại một khi hạ tầng tại các cửa khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, nhiều khi thị hiếu của người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu đã thay đổi, nhưng doanh nghiệp không hề được cập nhật thông tin đã khiến việc xuất khẩu hàng hóa càng gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng lên tiếng, việc sản xuất rau quả hiện nay không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng là rất khó khăn, việc bố trí mùa vụ không tập trung nên dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi nên gây nên khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ như các trường hợp với dưa hấu, vải thiều, thanh long…
“Đáng chú ý với mặt hàng dưa hấu, loại cây trồng này có chu kỳ sinh trưởng rất nhanh, phát triển trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với diện tích trồng dưa lớn như hiện nay thì việc thu hoạch dồn sẽ khiến khối lượng dưa hấu tăng đột biến là chuyện đương nhiên, và câu chuyện dưa hấu xuất khẩu bị xếp hàng dài sẽ là vấn đề vẫn cần phải đau đầu giải quyết”, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Xuất khẩu chính ngạch mới thực sự bền vững
Trước những bất ổn tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ rau quả, cần có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong việc nhận diện những khó khăn cốt lõi, những bất cập của cơ chế chính sách nhằm đưa ra những cơ chế thích hợp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản nói chung, nhóm hàng rau quả nói riêng một cách bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định: Công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường không phải chỉ thực hiện trên lý thuyết. Cần xác định vai trò, tầm quan trọng của các Tham tán thương mại trong việc đưa ra những chiến lược, kế hoạch xâm nhập thị trường mới cho các sản phẩm rau quả của Việt Nam. Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương cũng đề cao vai trò chủ động của các doanh nghiệp xuất khẩu trong khuôn khổ và chính sách của nhà nước.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đồng tình với việc tiếp tục tăng thêm kinh phí cho công tác xúc tiến thương mại, cũng như có những điều kiện cụ thể về chế biến sau thu hoạch nông sản, rau quả, trái cây. Đồng thời, Bộ Công Thương tiến tới đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, cơ quan kiểm dịch của Bộ NN&PTNT xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt giấy chứng nhận kiểm định bảo vệ thực vật ở những thị trường chưa cần thiết, nhằm đơn giản hóa thủ tục.
Đối với vấn đề xem xét mở thêm điểm thông quan mới tại khu vực biên giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bằng hình thức tiểu ngạch, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, bộ này đã cùng với Bộ NN&PTNT luôn xem xét thực hiện công tác này trong thời gian vừa qua. “Tuy nhiên, về lâu dài, do đặc thù của hoạt động thương mại biên giới nên các doanh nghiệp cần phát huy năng lực, trên quan điểm đẩy mạnh xuất khẩu bền vững, khuyến khích bằng con đường chính ngạch”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Đồng hành trách nhiệm trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất - tiêu thụ rau quả mang tính bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, việc không tuân thủ quy hoạch thời gian qua đã khiến nhiều loại cây trồng phát triển nhanh, tạo ra nhiều bất cập và thiếu tính bền vững, do đó công tác quy hoạch cây trồng rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đặc biệt lưu ý, đối với các sản phẩm rau quả xuất khẩu vào các thị trường khó tính rất tối kị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, do đó việc quản lý dịch hại và quá trình sử dụng thuốc hóa học cần phải được xem xét cẩn trọng.
Ngoài ra để việc tiêu thụ rau quả đạt hiệu quả, trước mắt các địa phương cần làm tốt công tác dự báo sản lượng, có sự thông tin và tạo mọi điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh sản phẩm theo chuỗi. Bộ NN&PTNT cũng sẽ quyết liệt đổi mới công tác kiểm dịch theo tiêu chí đơn giản hóa tối đa, giảm thời gian kiểm dịch xuống còn một nửa.../.