Tuy nhiên, Nghị định mới thay thế cho Nghị định 109/2010/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu gạo, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đang được kỳ vọng sẽ mở “rộng cửa” cho các doanh nghiệp được tham gia tự do vào thương mại gạo mà không gặp phải bất cứ hạn chế nào về định lượng.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất gạo trong nước đã bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác trực tiếp với các khách hàng nước ngoài do không đáp ứng được quy định của Nghị định 109.
“Ngậm ngùi” từ chối xuất khẩu
Mới đây, một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã phải ngậm ngùi lắc đầu từ chối khi 6 đối tác tìm đến đàm phán mua hàng, sau khi “nếm thử” sản phẩm gạo thơm của doanh nghiệp này tại một hội chợ quốc tế.
Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, “công ty đâu có được phép xuất khẩu gạo mà bán, dự hội chợ là để thu thập thông tin và quảng bá thôi”.
Hiện nay, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được quy định tại Nghị định 109. Theo đó, muốn xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện hết sức ngặt nghèo: có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo.
Những quy định trên cũng nhằm khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo. Vì vậy, dẫn đến nhiều doanh nghiệp tư nhân có thị trường, khách hàng nhưng bị khống chế về số lượng, xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cho nên, dù có sản xuất gạo chất lượng cao cũng không có cơ hội trực tiếp tham gia thị trường thế giới.
Đại diện công ty xuất khẩu thực phẩm Viễn Phú Organic cho biết, lâu nay các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo phải phụ thuộc hoàn toàn vào những công ty lớn làm trung gian thương mại.
Điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước, giảm sức cạnh tranh của gạo Việt, mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu bởi vì nhiều loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đang được bán với nhãn mác ngoại.
Nghị định mới sẽ tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu, thậm chí cả nhà xuất khẩu nhỏ và vừa, kết nối trực tiếp với các nhà nhập khẩu, giúp thúc đẩy các thương hiệu gạo Việt Nam dễ dàng hơn và tránh gian lận thương mại.
“Cởi trói” cho doanh nghiệp
Đánh giá về việc bãi bỏ rào cản cho các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu gạo, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc bãi bỏ quy định này sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhỏ có cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, nâng cao cạnh tranh với các đối thủ đến từ Thái Lan và Campuchia.
Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đánh giá chính sự khắt khe trong quy định xuất khẩu gạo đã khiến hạt gạo Việt Nam khó khẳng định được thương hiệu của mình trên thế giới. Cho tới nay, người tiêu dùng toàn cầu chủ yếu biết các sản phẩm gạo trắng Việt 5% tấm, hoặc 25% tấm, hơn là các tên gọi cụ thể.
Từ bất cập trên, Bộ Công Thương cho biết, trong Nghị định mới sẽ bỏ các quy định tiêu chuẩn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như giá sàn xuất khẩu gạo; không quy định điều kiện về quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo; không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng các cơ sở và số lượng doanh nghiệp xuất khẩu.
Thay vào đó, chỉ quy định yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đảm bảo điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Với mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân sẽ được xuất khẩu mà không hạn chế về số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận; khi xuất khẩu chỉ cần thực hiện thông báo hợp đồng xuất khẩu, thủ tục xuất khẩu thực hiện tại cơ quan hải quan.
Dự thảo cũng bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định về giá sàn gạo xuất khẩu. Đồng thời, giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5%.
Quy định về đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hay thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu cũng được bãi bỏ. Thay vào đó là quy định áp dụng phương thức thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, dự thảo sẽ bổ sung thêm quy định như: liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng gạo, công tác phát triển thị trường xuất khẩu, việc ký kết các thỏa thuận về thương mại gạo với các nước.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Nghị định mới sẽ tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu, thậm chí cả nhà xuất khẩu nhỏ và vừa, kết nối trực tiếp với các nhà nhập khẩu, giúp thúc đẩy các thương hiệu gạo Việt Nam dễ dàng hơn và tránh gian lận thương mại.
VCCI cho rằng, những thay đổi trong chính sách kinh doanh gạo sẽ buộc các doanh nghiệp phải hoạt động và phát triển theo cơ chế thị trường, đồng thời tìm cách để nâng cao uy tín trên thị trường thế giới. Những doanh nghiệp gạo có uy tín lớn đồng nghĩa với các thương hiệu gạo Việt Nam sẽ được đẩy mạnh.
Thanh Hoa
http://thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã