Định giá tài sản thế chấp quá thấp
Tại hội nghị hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững tại Việt Nam từ nghiên cứu cho tỉnh Lâm Đồng được tổ chức mới đây, ông Mori Mutsuya - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) nông nghiệp và nông dân Việt Nam có nguyện vọng mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư trên diện tích, quy mô lớn hơn nhưng vấn đề gặp phải là thiếu nguồn vốn.
Rau và hoa là hai sản phẩm được lựa chọn thí điểm tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: T.X
Theo khung thiết kế dự án của JICA, từ nay đến đầu năm 2017, các bên liên quan sẽ tiến hành thảo luận và ký văn bản ghi nhớ về dự án thí điểm, lập danh sách người vay thí điểm, chuẩn bị mô hình kinh doanh kế hoạch đầu tư và đến tháng 3.2017, các bên sẽ tiến hành ký kết Hiệp định vay vốn , đồng thời đưa ra kế hoạch kinh doanh cụ thể.
|
Nghiên cứu các mô hình sản xuất tại Lâm Đồng, JICA cho biết, hiện tại 1ha trồng rau tại Malaysia sản xuất công nghệ cao xuất khẩu sang Singapore có giá trị cao gấp 10 lần so với 1ha rau sản xuất tại Lâm Đồng. Để tăng giá trị sản xuất trên 1ha, người dân cần có đủ vốn để đầu tư máy móc, thiết bị, nhà kính…
Để vay được vốn thì người nông dân và DN phải có tài sản thế chấp, nhưng hiện nay việc định giá tài sản thế chấp của các ngân hàng thương mại lại rất thấp so với giá trị thực. Đặc biệt, cơ chế đánh giá tài sản đảm bảo chỉ dựa vào đất nông nghiệp hay các sản phẩm sau thu hoạch, công trình…
Để hạn chế những bất lợi này đối với nông dân, ông Mori Mutsuya góp ý: “Các ngân hàng cần đánh giá toàn diện tài sản trong quá trình kinh doanh, đặc biệt là đánh giá dòng tiền sinh ra trong quá trình kinh doanh, đánh giá kế hoạch kinh doanh thì mới đầy đủ”. Ông Mutsuya cũng cho biết, hơn 90% người dân ở Lâm Đồng nói với ông không tiếp cận được nguồn lực tài chính.
Đề xuất mô hình tín dụng bền vững
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hiện có khoảng 50% người dân tiếp cận được tín dụng và cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu vốn đầu tư; 65% DN thiếu vốn đã trở thành vấn đề cản trở trong sản xuất kinh doanh; 40% DN cho rằng cần loại bỏ các thủ tục quan liêu… “Ngân hàng hiện không thiếu vốn còn người dân thì rất có nhu cầu nhưng cung – cầu không gặp được nhau. Nguyên nhân chính là ở các rào cản thủ tục” - ông Tuấn nói.
Để giúp tín dụng nông thôn ở Việt Nam bền vững, JICA đã thiết kế khung dự án tín dụng nông nghiệp mới hướng đến những người vay là các DN, hợp tác xã, nông dân sản xuất quy mô vừa và lớn và có điều kiện tiếp cận tín dụng chính thức. Theo đó, các hạng mục vay đủ điều kiện gồm: Vốn lưu động (dưới 1 năm với mức vay tối đa 20 tỷ đồng) về giống, phân bón; đầu tư thiết bị (vay dài hạn 7-10 năm, quy mô vốn vay tối đa 100 tỷ đồng) sử dụng cho cải thiện mặt bằng, thiết bị sản xuất, sau thu hoạch,…
Bên cạnh đó, JICA cũng sẽ cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực của các ngân hàng trong việc thẩm định hồ sơ vay và chủ động giám sát tài sản DN. JICA cũng lựa chọn Lâm Đồng để triển khai thí điểm thực hiện tín dụng nông nghiệp mới ở 2 sản phẩm trọng tâm là rau và hoa.
Phân tích về cách tiếp cận tín dụng mới của JICA, GS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, dự án tín dụng này sẽ góp phần hỗ trợ phát triển kế hoạch kinh doanh tốt hơn. Những điểm mới của dự án sẽ tạo điều kiện cho các DN và nông dân làm thủ tục với khoản vay ưu đãi bớt điều kiện ngặt nghèo, đăng ký vay vốn với kế hoạch kinh doanh khả thi và hỗ trợ phát triển kinh doanh tốt gắn liền với chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Đồng Tiến – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, hoạt động của dự án sẽ tạo ra cú hích thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp cho tín dụng trong nông nghiệp tiếp cận được những cách làm tiên tiến.
theo http://danviet.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã