Vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu bức xúc lâu nay là vai trò của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cũng sẽ bị kiểm soát bằng các điều kiện cụ thể hơn trước, tuy nhiên vai trò này vẫn còn rất lớn.
Giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân
Bộ Công Thương đã hoàn tất việc lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo đó, những điều kiện kinh doanh trước đây gây cản trở cho doanh nghiệp sẽ bị loại bỏ như: quy định thương nhân phải sở hữu ít nhất 1 kho chuyên dùng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và ít nhất 1 cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ và phải nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu gạo.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo cao cấp với số lượng nhỏ, nhưng danh tiếng tốt đã không đáp ứng được yêu cầu này, dẫn đến bị hạn chế năng lực xuất khẩu như trường hợp doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (Cà Mau). Do vậy, quy định này bị loại bỏ vì trở thành rào cản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường.
Quy định về địa bàn xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh cũng bị loại trong dự thảo mới. Quy định khống chế địa bàn này tạo rào cản không bình đẳng giữa các địa phương, thương nhân trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, thể hiện sự can thiệp hành chính đối với quyền tự do cân nhắc, quyết định địa bàn đầu tư của doanh nghiệp.
Quy định về dự trữ lưu thông cũng được giảm đi. Hiện nay, Nghị định 109 quy định thương nhân phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo thương nhân đã xuất khẩu 6 tháng trước đó. Tuy nhiên, quy định này khiến thương nhân gây tồn đọng vốn, phát sinh chi phí, tăng gánh nặng nên cũng được Bộ Công Thương đề nghị giảm xuống còn 5%.
Việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo cũng là một thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là việc tổ chức đăng ký hợp đồng của VFA tiếp tục có nhiều ý kiến không đồng tình, quan ngại vấn đề bảo mật thông tin của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng, thậm chí coi đây là một thủ tục cản trở xuất khẩu cần bãi bỏ để tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Do vậy, thủ tục này cũng được đề nghị bỏ.
Quy định về giá sàn gạo xuất khẩu cũng được bỏ. Lý do là việc quyết định giá xuất khẩu liên quan đến lợi ích của thương nhân, do thị trường điều tiết theo quy luật thị trường, trong khi giá cả thị trường biến động rất phức tạp. Cho đến nay, chưa có báo cáo chính thức nào về việc phát hiện, đề nghị xử lý vi phạm giá sàn gạo xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho rằng, các quy định mới về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân. Cụ thể: (i) không bắt buộc phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; (ii) không quy định quy mô kho chứa thóc, gạo, công suất cơ sở xay xát, chế biến, không bắt buộc thương nhân phải có dây chuyền xay thóc. Dự thảo không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng; chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Bộ cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo thuận lợi, thông thoáng hơn cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Như bỏ quy định thực hiện thủ tục kiểm tra, xác nhận điều kiện kinh doanh của Sở Công Thương cấp tỉnh, thay vào đó là cơ chế thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về cam kết đáp ứng điều kiện kinh doanh, chỉ tổ chức hậu kiểm. Bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định giá sàn gạo xuất khẩu.
Dự thảo Nghị định đồng thời bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại VFA, theo đó, bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu, thay bằng cơ chế thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.
Bộ ước tính số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tăng thêm khoảng 60%-70% so với hiện nay chưa kể nhiều thương nhân khác sẽ được trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc thù mà không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh, không cần xin cấp Giấy chứng nhận.
Các quy định mới về điều kiện kinh doanh của dự thảo Nghị định nhằm tạo thuận lợi, giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân sẽ tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu, tăng cường đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.
Giảm quyền của VFA
Theo quy định hiện hành thì VFA độc quyền trong việc phân bổ các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung qua kênh Chính phủ. Song lãnh đạo của hiệp hội đồng thời lại là lãnh đạo của hai doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là Tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc nên hạn chế rất nhiều khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu khác nằm ngoài hai tổng công ty này. Nay, Bộ Công thương vẫn giữ quy định cho phép VFA phân bổ 80% chỉ tiêu hợp đồng tập trung nhưng việc phân bổ này trên cơ sở các quy định sẵn có trong nghị định, không phải VFA có toàn quyền định đoạt.
Dự thảo Nghị định đã điều chỉnh loại bỏ các quy định về trách nhiệm quản lý, điều hành của VFA. Riêng về việc phân bổ chỉ tiêu hợp đồng tập trung, bộ này e ngại rằng, thực tế thời gian qua cho thấy trường hợp hợp đồng xuất khẩu không hiệu quả thì các doanh nghiệp trả lại chỉ tiêu, không muốn nhận, doanh nghiệp đầu mối phải gánh khó khăn và chịu lỗ. Trong trường hợp đó hai Tổng công ty lương thực nhà nước phải gánh.
Bộ Công Thương đề xuất vẫn giữ như cơ chế hiện nay là việc phân bổ chỉ tiêu do VFA thực hiện nhưng trên cơ sở quy định cụ thể về tiêu chí, cách thức phân bổ chỉ tiêu hợp đồng tập trung, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm hạn chế sự tùy tiện, bất hợp lý, gây bất lợi cho quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng.
Tính đến nay, cả nước có khoảng 140 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Tính riêng năm 2016, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong tốp các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới./.
Theo Lan Nhi/TBKTSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã