Ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Phước cho biết, hiện dứa quả đến kỳ thu hoạch được thương lái mua tại ruộng với giá 4.300 - 5.000 đồng/kg (tùy theo địa bàn xa gần và chất lượng), tăng hơn tháng trước khoảng 1.000 đồng/kg.
Theo bà Đặng Thị Tám ở ấp Mỹ Thành (xã Mỹ Phước), hiện nay thương lái đến tận vườn của nông dân thu mua, dứa loại I (trái cân đối, màu sắc đẹp, trọng lượng trên 1kg/trái) có giá 4.500 đồng/kg, dứa loại II (trọng lượng 0,8-1 kg/trái) đạt 4.300 đồng/kg. Đối với trường hợp bán dứa xô (cân không phân biệt lớn nhỏ) cũng có giá tới 4.000 đồng/kg.
“Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, hiện nay thương lái mua dứa không yêu cầu chặt đầu chặt cùi như trước đây nên nông dân có lợi về sản lượng”, bà Tám nói.
Theo nhiều nông dân trồng dứa ở huyện Tân Phước, giá dứa đang ở mức cao nhất từ trước tới nay là do mùa dứa chính vụ năm nay kết thúc trễ so với năm ngoái. Hiện dứa đang trong giai đoạn xử lý cho trái đồng loạt vụ nghịch nên sản lượng dứa cung cấp cho thị trường rất hạn chế, trong khi nhu cầu thị trường có xu hướng tăng. Mặt khác, thông tin không đúng về việc sử dụng thuốc tăng trọng trên cây dứa cũng đã được cơ quan chức năng làm rõ nên người tiêu dùng đã tin dùng dứa Tân Phước, từ đó nhu cầu thị trường đã ổn định trở lại.
Ông Lê Thành Tâm ở xã Thạnh Mỹ cho biết, mỗi năm dứa có thể cho thu hoạch 3 - 4 lần tùy thuộc vào cách xử lý của từng nông hộ với năng suất đạt bình quân 15 tấn/ha. Hiện nay, giá thành sản xuất 1kg dứa bao gồm chi phí chăm sóc, phân bón, xử lý khí đá, công cắt… khoảng 2.300 đồng/kg, tính ra nông dân còn lãi bình quân 1.700 đồng/kg (tương đương 25 triệu đồng/ha).
Thông thường, mỗi gia đình trồng dứa ở vùng đất phèn Tân Phước có 4-5ha, thậm chí có hộ có trên dưới 20ha nên lợi nhuận có thể đạt hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp chuyên canh dứa Quyết Thắng cho biết thêm, thời điểm tháng 9 hàng năm trùng với mùa mưa bão và lũ lụt tại Nam Bộ, dứa vào vụ nghịch, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ rất lớn nên giá hấp dẫn. Mặt khác, nhiều năm nay dứa Tân Phước đã khẳng định được chất lượng trên thị trường trong nước và là mặt hàng chế biến xuất khẩu nên đã góp phần tăng giá trị cho cây dứa.
Do hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, từ lâu cây dứa đã được tỉnh Tiền Giang xác định là cây ăn trái chính để phát triển kinh tế ở vùng đất phèn Tân Phước và đã đăng ký chỉ dẫn địa lý, do vậy diện tích trồng dứa ở khu vực này gia tăng theo từng năm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của bà con trồng dứa là khi vào mùa thu hoạch rộ thì giá dứa rất thấp, khó tiêu thụ, trong khi người trồng dứa không thể trữ dứa lại để chờ giá như đối với lúa.
Vì vậy, người trồng dứa Tân Phước mong muốn tỉnh Tiền Giang có chính sách thu hút đầu tư đối với ngành chế biến rau quả, đặc biệt là trái dứa để tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cho trái dứa Tân Phước.
Dự báo, từ nay đến cuối năm giá dứa vẫn đứng ở mức cao nên người trồng dứa rất phấn khởi bởi đây là cây trồng chủ lực, cho thu nhập cao tại vùng đất mới khai hoang Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang. Với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm, nhiều bà con miền đất mới Đồng Tháp Mười dựng nên cơ nghiệp từ cây dứa.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Phước (Tiền Giang), toàn huyện hiện có 14.800ha dứa, tập trung ở các xã Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Hưng Thạnh, Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2 và Phước Lập với sản lượng dứa cung cấp cho thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu hàng năm khoảng 250.000 tấn/năm. |
Thành Công
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã