Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thường mọi năm đây là thời điểm người chăn nuôi cả nước tập trung sản xuất nhằm cung ứng nguyên liệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các địa phương, giá heo hơi giảm còn 25.000 - 27.000 đồng/kg, nhiều hộ chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn sản xuất. Hàng năm, khoảng tháng 9 - 10 người chăn nuôi heo sẽ tăng đàn từ 20 - 30% để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, năm nay do giá cả sụt giảm mạnh người chăn nuôi tiếp tục bị thua lỗ, vì vậy họ không dám tăng đàn mạnh. Theo thống kê, tổng đàn heo toàn tỉnh Bắc Giang hiện còn 134.000 con, giảm 5.000 con so năm đầu năm 2017.
Đại diện hộ chăn nuôi tại Thanh Hóa chia sẻ, chưa năm nào người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như năm nay, từ cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, giá heo hơi giảm sâu và khó tiêu thụ, trong khi giá TĂCN cao, khiến nhiều hộ rơi vào tình trạng thua lỗ, bỏ trống chuồng nuôi. Cùng đó, trận mưa lũ tháng 10 vừa qua đã làm người nuôi thiệt hại nặng nề. Do đó, nhu cầu vốn đầu tư khôi phục và phát triển trang trại lớn.
Tâm lý “thận trọng” khi chuẩn bị đàn heo phục vụ thị thường Tết Nguyên đán cũng là tình trạng chung của những hộ chăn nuôi heo tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Như chia sẻ của ông Ngô Văn Ánh, chủ trang trại nuôi gà ở thôn Long Lanh, xã Bảo Đài (Lục Nam, Bắc Giang), heo hơi rẻ “kéo” thịt và trứng gia cầm xuống giá. Những năm trước, từ thời điểm này đến Tết Nguyên đán, nhu cầu các loại thực phẩm, nhất là sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu liên hoan, đám cưới, tổng kết năm... tăng dần đẩy giá lên; nhưng năm nay vẫn yên ắng. Từ đầu năm đến nay, trang trại của ông vẫn giữ số đầu gia cầm ổn định, chỉ cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp đã ký hợp đồng tiêu thụ để giữ khách.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi chỉ sản xuất cầm chừng Ảnh: Thanh Cường
Thời gian qua, một số tỉnh miền Trung và vùng núi phía Bắc bị ảnh hưởng của mưa lũ, nguồn cung thực phẩm từ các địa phương này có giảm nhưng lượng gia súc, gia cầm của cả nước còn dồi dào, dự báo thị trường đầu ra chậm cải thiện. Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang khuyến nghị, các hộ cần bám sát dự báo nhu cầu thị trường để tái đàn phù hợp khả năng, tránh rủi ro, đồng thời chú trọng chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, tiêu chuẩn VietGAHP, liên kết với các doanh nghiệp, HTX sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi, bảo đảm đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm là thời điểm dịch cúm gia cầm dễ bùng phát, cần quan tâm phòng dịch kịp thời cho đàn gia súc, gia cầm.
Theo các chuyên gia, giá lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm khó giảm hơn nữa, bởi người chăn nuôi hiện đã thu hẹp sản xuất. PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù giá thịt heo vẫn đang ở vùng giá thấp nhất, với mức dao động 30.000 - 35.000 đồng/kg thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ và không tái đàn. Điều này dẫn tới nguồn cung thời gian tới sẽ giảm nhiều. Trong khi, cuối năm nhu cầu tiêu thụ thịt heo gia tăng sẽ kéo theo xu hướng tăng giá trở lại là tất yếu.
Trước bối cảnh người nuôi gia cầm đang ồ ạt tái đàn cung ứng cho thị trường trong thời điểm giá tăng cao, nhất là nhằm cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong những ngày cuối năm, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã không khỏi lo lắng. Bởi, nếu nông dân đổ xô tái đàn mà không nắm bắt thông tin diễn biến của thị trường, thì việc “đụng đầu” vào cuộc khủng hoảng giá mới là chắc chắn. Mặt khác, việc phát triển chăn nuôi ồ ạt, thiếu kiểm soát, nhất là mùa mưa lũ đang cận kề thì việc bùng phát dịch cúm gia cầm và các dịch bệnh nguy hiểm khác có nguy cơ tái phát. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp Bình Định không ngừng khuyến cáo người nuôi nên thận trọng trong việc tái đàn gia cầm. Chi cục Thú y tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cần liên kết chặt chẽ với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết từ cung ứng con giống đến chăn nuôi, giết mổ, nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường.
Bộ Tài chính vừa có công văn 15259/BTC-QLG gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả cuối năm 2017. Theo đó, các bộ, ngành và các địa phương tăng cường phối hợp theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để thương nhân lợi dụng hiện tượng thiên tai, bão lụt để nâng giá, găm hàng, đưa hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng về vùng bão, lụt. |
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã