Tại hội nghị, các đại biểu nêu lên những khó khăn vướng mắc khiến cho nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa được các nước bạn “chào đón”, đồng thời đề xuất những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. “Cái khó” của sản phẩm chăn nuôi Báo cáo tại hội nghị, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay nước ta đã và đang xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang Hồng Kông, Malaysia. Cụ thể, cả nước có 6 cơ sở giết mổ (CSGM) xuất khẩu sang Hồng Kông và hai CSGM xuất khẩu sang Malaysia. Năm 2016, sản lượng thịt lợn xuất khẩu đạt khoảng 11 nghìn tấn (trị giá khoảng 100 triệu USD). Trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 10,6 nghìn tấn (trị giá khoảng 46 triệu USD). “Trong nhiều năm qua sản phẩm thịt lợn sữa, thịt lợn choai của Việt Nam luôn bảo đảm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không có lô hàng nào xuất khẩu sang các nước bị trả về và đã tạo được uy tín trên thị trường”, ông Thành nói. Trong khi đó, lợn thịt chỉ sản xuất và tiêu thụ ở trong nước, chưa có sản phẩm thịt xuất khẩu; mới có hai công ty đăng ký xuất khẩu sản phẩm gà thịt đã qua chế biến nhiệt sang Nhật Bản; 5 cơ sở đã xuất khẩu (trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, trứng chim cút đóng hộp) sang một số thị trường như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản. Toàn cảnh Hội nghị “Hỗ trợ xúc tiến các sản phẩm chăn nuôi sang các nước” ngày 7-6. Nói về những tồn tại, bất cập trong chăn nuôi, giết mổ lợn và xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay, đại diện Cục Thú y nêu rõ: Mặc dù các tỉnh trọng điểm chăn nuôi lợn có nhiều cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ đan xen với cơ sở chăn nuôi tập trung, chưa hình thành được các vàng đai an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi tập trung (theo quy định cần có bán kính 01 km mới bảo đảm yêu cầu). Chưa hình thành được các chuỗi sản xuất thịt lợn có kiểm soát theo hình thức khép kín đến sản phẩm xuất khẩu, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, giá thành chăn nuôi lợn còn cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Hầu hết các cơ sở giết mổ hiện đều không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, không có chuỗi sản xuất thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đến sản phẩm xuất khẩu (trừ Công ty TNHH Koyu & Unitek tại tỉnh Đồng Nai mới được đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín từ khâu chế biến thức ăn chăn nuôi đến sản phẩm thịt gà chế biến xuất khẩu đã được kiểm tra và đánh giá). Trong khi tất cả các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu. Doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi thừa nhận, hiện nay nhiều sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và có dư để xuất khẩu. Mặc dù vậy, để các sản phẩm này có thể xuất khẩu được vẫn còn là vấn đề nan giải. “Mặc dù khó nhưng các sản phẩm chúng ta có đủ khả năng để xuất khẩu. Vấn đề cần phải làm hiện nay đó là phải xác định được các sản phẩm nước bạn cần để xuất khẩu; hai là kiểm soát tốt dịch bệnh; ba là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm. Để làm tốt những việc này cần phải xác định doanh nghiệp sẽ đóng vai trò nòng cốt. Nhà nước cần hỗ trợ về cơ chế chính sách để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi”, ông Vân nói. Cũng đề xuất về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thời gian tới, theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, các doanh nghiệp có nguồn lực cần tổ chức xây dựng đề án sản xuất lợn sữa, lợn thịt theo chuỗi khép kín (từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm để xuất khẩu) bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tổ chức xây dựng đề án sản xuất thịt lợn theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm, hệ thống dây chuyền giết mổ và pha lóc, hệ thống bảo quản mát (từ 2oC - 6oC), cấp đông (với hệ thống máy/hầm cấp đông có nhiệt độ từ -40oC đến -45oC), hệ thống kho bảo quản (nhiệt độ phải đảm bảo ở -20oC)… không có tồn dư các hóa chất như kháng sinh, hóc môn, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng) theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Về lâu dài, tập trung đầu tư vùng chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đi các nước. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu”. Theo đó, mục tiêu cụ thể, năm 2017 hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản và từ năm 2018 tiếp tục mở rộng sang thị trường châu Á, châu Âu. Đối với thịt lợn, dự kiến hết năm 2020 xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt lợn chế biến chín xuất sang Đông - Nam Á, châu Á, châu Âu… Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thắng Lợi cho biết, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi còn tùy theo từng nước mà yêu cầu, điều kiện an toàn thực phẩm khác. “Mọi xúc tiến thương mại đều là vô nghĩa nếu cơ quan thú y hai nước không thông thương. Bài học xương máu là hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu sang Singapore nhưng cơ quan thú y nước này trả lời là không xem xét hồ sơ của Việt Nam vì còn dịch lở mồm long móng". Dây chuyền giết mổ gà tại Công ty TNHH Koyu & Unitek Ông Hoàng cũng kiến nghị, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phải do Nhà nước làm, chứ doanh nghiệp không đủ sức đầu tư. Bên cạnh đó, ngành thú y thường xuyên thông tin đẩy mạnh xúc tiến thị trường. Hướng đến xuất khẩu các sản phẩm qua chế biến Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp nên hướng đến sản xuất các sản phẩm đã qua chế biến. Muốn vậy các doanh nghiệp phải có đầu tư đồng bộ, có kho lạnh trữ hàng, có dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Đối với xuất khẩu động vật sống, các nước nhập khẩu có yêu cầu rất khắt khe về điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh, họ có rất nhiều rào cản kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng của nước họ. Chính vì vậy, cần bảo đảm an toàn dịch bệnh, có các vùng sản xuất an toàn; các cơ sở phải thực hiện chăn nuôi, sản xuất an toàn dịch bệnh. Theo đó, cần có quy hoạch cụ thể và có chính sách phù hợp nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đối với các chính sách tín dụng, nếu doanh nghiệp vẫn thấy có khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp nhận ý kiến và kiến nghị Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ kịp nhằm hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp mở thị trường.
|
THANH TRÀ http://www.nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã