Nông dân Tiền Giang thu hoạch tôm.
Ông Nguyễn Văn Thành, nông dân nuôi tôm sú ở xã Kiểng Phước (Gò Công Đông - Tiền Giang) cho biết, gần 1 tháng nay, giá tôm sú đã tăng trở lại. Hiện, thương lái thu mua tôm sú loại 40 con/kg với giá 180.000-200.000 đồng/kg, tôm sú 30 con/kg giá 210.000-230.000 đồng/kg. Đối với tôm thẻ chân trắng, giá tôm loại 100 con/kg tăng hơn 20.000 đồng/kg với giá bán cho thương lái hiện tại là 102.000-105.000 đồng/kg; còn tôm loại 60 con/kg cũng có giá 120.000-125.000 đồng/kg.
Theo một số thương lái thu mua tôm ở Tiền Giang, nguyên nhân khiến giá tôm nước lợ tăng là do nhu cầu tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu dịp Noel và Tết Dương lịch tại thị trường Âu, Mỹ tăng, cộng với thị trường Trung Quốc nhập nhiều tôm Việt Nam. Những doanh nghiệp không dám trữ tôm thời điểm giá thấp đang thiếu nguyên liệu nên phải nâng giá để đẩy mạnh thu gom tôm chế biến. Mặt khác, năm nay dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, giá tôm nằm ở mức thấp trong thời gian dài khiến nhiều hộ không dám thả vụ tôm nghịch cuối năm, hoặc đầu tư cầm chừng, thả nuôi với mật độ thấp khiến sản lượng tôm cung ứng cho thị trường giảm mạnh, góp phần làm cho giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng tăng mạnh trở lại.
Hiện nay, giá thành nuôi tôm sú loại 30 con/kg khoảng 120.000-140.000 đồng/kg, nuôi tôm thẻ chân trắng 60 con/kg khoảng 80.000-85.000 đồng/kg. Do đó, với giá bán như hiện nay, ước tính nông dân nuôi tôm sú có lợi nhuận khoảng 400-450 triệu đồng/ha sau 4-4,5 tháng nuôi (năng suất bình quân 5 tấn/ha), còn tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận khoảng 300-400 triệu đồng/ha sau 2,5-3 tháng nuôi (năng suất bình quân 10 tấn/ha).
Tuy nhiên, không còn nhiều nông dân được hưởng lợi từ sự tăng giá này. Ông Lê Thanh Phong ở xã Kiểng Phước cho biết, ông có 3 ao nuôi tôm với diện tích gần 2ha. Đầu năm nay, ông thả hai vụ tôm thẻ chân trắng nhưng tôm đều chết, cộng với giá thấp nên bị lỗ hơn 250 triệu đồng. Trước tình hình dịch bệnh, giá cả tôm bất lợi, từ cuối tháng 8 đến nay, ông ngừng thả nuôi. Giờ thấy giá tăng, ông tiếc đứt ruột.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, do khả năng chống dịch bệnh tốt và giá cả ổn định hơn tôm thẻ chân trắng nên nhiều hộ nuôi tôm vùng ĐBSCL đã trở lại với đối tượng nuôi truyền thống là tôm sú. Trong 10 tháng qua, diện tích tôm sú tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 555.954ha; sản lượng ước 204.086 tấn, giảm 3,3%. Trong khi đó, diện tích tôm thẻ chân ước đạt 58.406 ha, giảm 1,2%; sản lượng tôm thẻ chân trắng ước 169.433 tấn, giảm 11,7%.
Thành Công
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã