Cửa lớn rộng mở
Cuối tháng 4 vừa qua, sau khi thực hiện chuyến khảo sát nhanh các mặt hàng nông sản tại siêu thị Coopmart Xtra (TPHCM), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack cho biết hiện ở Hoa Kỳ có nhu cầu rất cao về xoài, nếu Việt Nam xuất khẩu thành công trái xoài vào Hoa Kỳ, người tiêu dùng ở đây sẽ có thêm sự lựa chọn vì Hoa Kỳ không trồng xoài và ngay cả khi trồng thì cũng chỉ được 1 vụ/năm. Cho đến thời điểm này, xoài cùng với vú sữa là 2 loại trái cây Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Việt Nam đang hối thúc Hoa Kỳ cấp phép nhập khẩu vào nước này. Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của Hoa Kỳ đối với 2 loại trái cây này. Được biết cho đến nay chỉ mới có 4 loại trái cây của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường này, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn và gần đây nhất là vải.
Cũng trong những ngày cuối tháng 4, trái cây Việt Nam đón nhận thêm một tin vui: DN Việt Nam có thể sẽ có cơ hội xuất khẩu thanh long vào thị trường Australia sau khi nước này vừa chính thức bắt đầu quá trình xem xét để cấp phép nhập khẩu thanh long. Ngoài quả thanh long, Australia cũng đang đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho các loại quả tươi khác của Việt Nam. Australia đã hoàn tất đánh giá rủi ro cho quả xoài Việt Nam vào tháng 11-2015 và công việc còn lại hiện nay là hoàn thiện các thỏa thuận sắp xếp thương mại cho mặt hàng này. Trước đó, những đơn hàng quả vải tươi đầu tiên của Việt Nam với số lượng 28 tấn đã được xuất khẩu sang Australia vào tháng 5-2015.
Nhìn lại năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt con số hơn 1,8 tỷ USD, tăng 23,7% so với năm trước, giúp rau quả nằm trong top 5 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam bên cạnh những mặt hàng như gạo, cà phê, nhân điều và cao su. Năm 2015 cũng đánh dấu nhiều thành tích của trái cây Việt Nam khi thâm nhập được vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ… Bước sang quý I-2016, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam đạt 526 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy xuất khẩu rau quả Việt Nam đang có những bước tăng trưởng đáng kể, nhưng rau quả Việt Nam chỉ chiếm 0,75% thị phần thế giới (tổng giá trị nhập khẩu khoảng 240 tỷ USD/năm) và 3,7% thị phần các quốc gia thành viên TPP (hiện nhập khẩu hơn 50 tỷ USD mỗi năm).
Bước vào chưa dễ
Những con số nêu trên đang cho thấy rất nhiều cơ hội tăng trưởng cho rau quả Việt Nam. Việc thâm nhập những thị trường khó tính sẽ giúp rau quả Việt gia tăng giá trị và quan trọng hơn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Song hành trình này cũng lắm gian nan. Bằng chứng là trong 3 tháng đầu năm Trung Quôc vẫn là thị trường nhập rau quả Việt Nam nhiều nhất, chiếm khoảng hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Lý do vì Trung Quốc không khó tính như những thị trường khác. Đơn cử như thị trường Hoa Kỳ, mặc dù Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chia sẻ trái xoài có nhiều cơ hội vào Hoa Kỳ, nhưng để vào được cũng lắm gian nan vì quy trình để được phía Hoa Kỳ cấp phép rất tốn thời gian và tiền bạc. Ngay trong những ngày làm việc với Bộ trưởng Vilsak, Bộ NN-PTNT đã nêu ra rất nhiều trở ngại và đối xử không công bằng với hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Chẳng hạn quy trình cấp phép nhập khẩu trái cây Việt Nam quá phức tạp, kéo dài và tốn kém. Chỉ riêng phí để chuyên gia Hoa Kỳ chiếu xạ trái cây đã hết chừng 500.000USD/năm. Những chi phí này khiến giá thành trái cây Việt Nam khi sang thị trường này cao hơn, khó cạnh tranh với những sản phẩm từ Thái Lan hay Trung Quốc.
Hay như thời điểm đưa trái xoài cát chu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, các cơ quan chức năng, các nhà vườn, DN đã phải mất tới 5 năm mới thỏa mãn các tiêu chí của phía nhập khẩu. Nhưng như vậy vẫn chưa phải hết khó khăn. Thông thường những thị trường như Nhật Bản có những đòi hỏi rất cao như phải duy trì được tính ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ đơn hàng… Song xoài lại chỉ có mùa vụ cố định, rất khó đảm bảo lượng hàng duy trì đều trong các tháng. Thêm một thách thức nữa cho trái cây Việt Nam chính là diện tích vùng trồng đạt tiêu chuẩn còn ít, nên giá thành khó cạnh tranh khi xuất ngoại. Trong khi nông dân Việt Nam vẫn quen kiểu làm không tới nơi, những nhà nhập khẩu khó tính lại luôn đặt ra vô vàn tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc, chứng nhận…
Đóng gói xuất khẩu xoài vào thị trường Hoa Kỳ.
Một thực tế không chỉ của riêng rau quả khi xuất khẩu, đó chính là việc xây dựng thương hiệu. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Đăng Doanh từng chia sẻ vấn đề sống còn của rau quả xuất khẩu là phải có thương hiệu. Hiện tại đã có một số loại trái cây được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam như bưởi Năm roi Hoàng Gia, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc… nên thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thêm vào đó, để rau quả Việt Nam có thể được bạn bè quốc tế biết đến, việc quảng bá là hết sức cần thiết. Nhưng cho đến nay công tác quảng bá chung cho rau quả Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Có thể thấy, rau quả nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung luôn được đánh giá có nhiều tiềm năng, nhưng để từ tiềm năng, cơ hội thành thực tế vẫn là một hành trình dài cần sự chung tay của cả các cơ quan quản lý, DN và nhà nông.
Thanh Dung
theo SGĐT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã