Nguồn cung dồi dào
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tiến độ thu hoạch lúa vùng ĐBSCL đã bắt đầu triển khai và sẽ kết thúc vào tháng 4. Theo đó, tháng 1 đã thu hoạch khoảng 370 nghìn ha, sản lượng 2,21 triệu tấn thóc, sản lượng gạo hàng hóa hơn 800 nghìn tấn.
Trong tháng 2, nông dân ĐBSCL thu hoạch thêm 250 nghìn ha lúa vụ đông xuân với 550 nghìn tấn gạo hàng hóa. Thời gian tới, hơn 1,1 triệu ha lúa sẽ cho thu hoạch với sản lượng gạo hàng hóa ước khoảng 3,2 triệu tấn. Về cân đối cung cầu vụ đông xuân, dự kiến sản lượng lương thực 4 tháng đầu năm của các tỉnh ĐBSCL khoảng gần 12 triệu tấn lúa, 5,75 triệu tấn quy gạo. Với việc tồn kho của các DN là hơn 400 nghìn tấn, thì nguồn cung sẽ khoảng 6,2 triệu tấn gạo.
Lúa gạo Việt Nam đang gặp khó khăn trong XK
Về nguồn cầu, tính toán của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) cho thấy, tổng nhu cầu tiêu dùng nội địa gồm giống, để ăn, chăn nuôi… của vùng ĐBSCL và điều hòa cho TP Hồ Chí Minh khoảng 1,2 triệu tấn quy gạo. XK theo lượng hợp đồng đã ký đến hết tháng 2/2014 đạt 1,34 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo còn lại khoảng 3,56 triệu tấn.
Phân tích của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy, tình hình thị trường lúa gạo thế giới hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam. Theo VFA, căng thẳng chính trị tại Thái Lan đã ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo thế giới khiến giá cả các loại gạo có xu hướng giảm. “Thái Lan đã tuyên bố chấm dứt chương trình trợ giá lúa gạo vào cuối tháng 2 và đang nỗ lực bán gạo dự trữ ra thị trường để lấy tiền trả nợ cho nông dân. Hiện nước này đã chào bán được 220 nghìn tấn gạo theo hình thức đấu giá với giá rất cạnh tranh. Cụ thể, gạo 5% tấm chỉ ở mức dưới 400 USD/tấn”, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA thông tin.
Trước tình hình đó, giá gạo Việt Nam cũng đang trong xu hướng giảm để cạnh tranh với gạo Thái Lan. Cụ thể, gạo 5% tấm giảm 2,5%, còn 400 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm còn 375 USD/tấn; gạo Jasmine giảm hơn 6%, xuống mức 535 USD/tấn.
Ngoài ra, theo đại diện VFA, các bạn hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia… chưa có tín hiệu ký tiếp hợp đồng mua gạo Việt Nam. Chỉ duy nhất có thị trường Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục mua gạo của một số DN nước ta, song do một số điều kiện khách quan, số lượng giao hàng không nhiều. “Nguồn cung dồi dào, nguồn cầu hạn chế khiến giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đang có xu hướng giảm nhẹ so với tháng 1 và tháng 2. Hiện giá thu mua lúa tươi chủng loại IR50404 phổ biến khoảng 4,7 nghìn đồng/kg, giảm 100 đồng so với tháng trước”, ông Bảy cho biết.
Cấp phép XK tạm thời?
Trước tình hình khó khăn trong việc XK gạo, nhiều DN đang đề xuất cấp giấy phép tạm thời để mở rộng XK sang thị trường Trung Quốc. “Hiện hầu như chỉ còn mỗi Trung Quốc là đang mua gạo của Việt Nam theo hình thức XK thương mại nên việc tranh thủ đẩy mạnh XK sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch là việc cần thiết thời điểm này”, đại diện một DN kinh doanh lương thực đề xuất.
Theo phân tích của vị đại diện này, các DN trên địa bàn một số tỉnh có cửa khẩu không có giấy phép XK, bởi hiện Bộ Công thương đã thu hẹp giấy phép XK gạo chỉ còn 150 đầu mối để không ảnh hưởng đến thị trường, tránh phá giá... Vả lại, nếu DN địa phương thực hiện XK ủy thác thì thủ tục rất phức tạp và có nhiều hạn chế. Vì vậy, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công thương cần xem xét cấp phép theo hình thức giấy phép con, giấy phép hạn chế hoặc giấy phép có thời hạn… để tranh thủ thời điểm này giải quyết bớt số lượng gạo tồn kho trong nước.
Ngoài ra, các DN cũng đề nghị Bộ Công thương tăng cường xúc tiến thương mại, có biện pháp quản lý hợp lý để tạo điều kiện XK theo hình thức thương mại biên giới.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây là việc có nên tiếp tục thực hiện mua gạo tạm trữ? Có ý kiến cho rằng, việc mua gạo tạm trữ thực chất không có lợi cho dân, bởi không kéo được giá gạo trên thị trường lên. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước hàng năm phải bỏ ra vài trăm tỷ đồng để bù vào lãi suất cho DN. Như vậy, không cần thiết mua gạo tạm trữ.
Tuy nhiên, theo ý kiến từ Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước, trong khi chủ trương này cần tiếp tục được bàn thảo và trình Thủ tướng quyết định, thì trước mắt, trong vụ đông xuân này, vẫn phải tiếp tục thực hiện việc mua tạm trữ với sản lượng khoảng 1 triệu tấn để kéo giá gạo trong nước lên. “Đề nghị VFA chỉ đạo các DN thành viên chuẩn bị các điều kiện về kho tàng, tài chính để đáp ứng kịp thời việc mua tạm trữ khi có kế hoạch”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị.
“Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương và DN tiếp tục theo sát diễn biến của thị trường thế giới và có các giải pháp phù hợp. Trước mắt, phải đẩy mạnh khai thác thị trường, tìm kiếm các bạn hàng mới và nối lại đàm phán với các bạn hàng truyền thống”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất, XK gạo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa giao Bộ Tài chính hướng dẫn VFA xây dựng Đề án cụ thể về việc thành lập Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và XK gạo. Trước đó, VFA và đại diện 13 Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL đã ký biên bản ghi nhớ về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên cánh đồng mẫu lớn. Theo đó, các địa phương sẽ hình thành 13 vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, quy mô 500 đến 1 nghìn ha, có thể mở rộng theo nhu cầu của DN. VFA sẽ đại diện các DN đảm trách cung ứng vật tư đầu vào, đặt hàng nông dân giống lúa cần cho xuất khẩu. Đồng thời, Hiệp hội phải cam kết tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu theo giá thị trường, tổ chức hệ thống thương lái, làm thương hiệu cho gạo xuất khẩu. |
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã