Trong dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến của các Bộ, ngành và chuyên gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ: Công tác tái cơ cấu ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và hệ thống tài chính 5 năm vừa qua chưa đạt mục tiêu đề ra. Điều này thể hiện qua việc tăng vốn điều lệ của nhiều tổ chức tín dụng không đạt mục tiêu trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn, ngân sách hạn hẹp; nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trong nước hạn chế và nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự sẵn sàng tham gia; tiến độ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng chậm; cơ cấu lại tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đạt được kế hoạch. Đặc biệt, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng…
Từ thực tế này, đề án đưa ra những yêu cầu cụ thể cho ngành ngân hàng trong việc tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, trong đó nhấn mạnh đến việc đưa lãi suất về mức trung bình của các nước đang phát triển, đồng thời các ngân hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt về thực hiện Basel II.
Cụ thể, đến năm 2020 sẽ hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, giảm mạnh rủi ro hệ thống, tăng cường độ rộng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính; cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số ngân hàng thương mại yếu kém; kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển khoảng 5%; bảo đảm 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II.
Bản đề án cũng đưa ra lộ trình tăng vốn điều lệ phù hợp với quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng và vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng không đáp ứng được mức vốn pháp định và chuẩn mực an toàn vốn.
Để đạt được mục tiêu này, ngành ngân hàng cần thực hiện các giải pháp như: Bổ sung và xây dựng khuôn khổ pháp luật về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó đề cao thẩm quyền can thiệp của nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý những yếu kém, tồn tại và các vi phạm, rủi ro của tổ chức tín dụng; cấp phép thận trọng, linh hoạt đối với việc thành lập mới ngân hàng thương mại; thắt chặt các điều kiện thành lập, góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng...
Đối với việc xử lý nợ xấu, cần sửa đổi đồng loạt các luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua nợ xấu theo giá thị trường; xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Dự thảo đề án cũng yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại một số ngân hàng thương mại cổ phần về mức trên 65%; giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng. |
Duy Minh
http://baocongthuong.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã