Năm 2017 được dự báo xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng dù vậy vẫn có những cơ hội nếu doanh nghiệp biết nắm bắt.
Gạo thế giới tồn kho lớn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trước tình hình nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn chưa rõ nét trong khi sản lượng và tồn kho gạo thế giới tăng ở mức kỷ lục trong năm qua, VFA dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2017 chỉ đạt mức trên 5 triệu tấn, tương đương năm 2016. Nguyên nhân chính, theo VFA phân tích, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2016-2017 được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 480 triệu tấn gạo xay xát, cao hơn niên vụ trước khoảng 1,6%. Cùng với đó, tồn kho gạo toàn cầu được dự báo ở mức cao nhất từ năm 2001 đến nay.
Đáng chú ý, tồn kho ở các nước xuất khẩu chính giảm đáng kể, trong khi con số này lại tăng ở các nước nhập khẩu và xuất khẩu nhỏ. Điều này dẫn đến tình trạng giảm nhập khẩu và hạn chế các hợp đồng thương mại gạo. Những năm trước đây, các nước trong khu vực ASEAN như Philippines, Malaysia, Indonesia… nhập khẩu gạo Việt Nam lên đến 2-3 triệu tấn gạo theo các hợp đồng tập trung, nhưng đến năm 2016, lượng gạo xuất khẩu sang cả ba thị trường này chỉ còn khoảng 10%.
Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định, nhu cầu thương mại gạo toàn cầu năm 2017 được dự báo ở mức 40,6 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2015, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 44,1 triệu tấn năm 2014. Tuy nhiên, do nguồn cung tăng và chưa có nhu cầu NK gấp từ các nước NK nên đến thời điểm này, nhu cầu trên thế giới vẫn chưa rõ nét. Dự báo thị trường châu Á vẫn đang có nhu cầu yếu, còn thị trường châu Phi sẽ tăng nhẹ.
Trong bối cảnh ấy, XK gạo của Việt Nam tiếp tục gặp khó ngay từ đầu năm. Đến hết tháng 12/2016, lượng gạo đã ký hợp đồng XK chuyển sang thực hiện trong năm 2017 chỉ có 547 ngàn tấn, thấp hơn nhiều so với lượng gạo ký hợp đồng năm 2015 chuyển sang thực hiện trong năm 2016.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, về lâu dài, gạo trắng Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với gạo trắng của các nước khác trên thị trường quan trọng, nhất là Trung Quốc. Nhưng Việt Nam lại có lợi thế lớn về gạo nếp. Năm 2016, theo đánh giá của thương nhân Việt Nam, sản lượng gạo nếp nước ta khoảng 1,5 triệu tấn. Còn theo đánh giá của thương nhân Trung Quốc là khoảng 2 triệu tấn. Trong đó, mới thực hiện XK sang Trung Quốc khoảng 1 triệu tấn. Nhu cầu gạo nếp là không nhỏ, vì hầu hết những quốc gia có cộng đồng người Hoa sinh sống đều có nhu cầu NK loại gạo này.
Trước tình hình đó, VFA đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá tình hình thực tế và kiến nghị Chính phủ quyết định mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2016-2017, để ổn định giá thị trường theo định hướng, bảo đảm mức lãi tối thiểu cho nông dân. Bên cạnh đó, để tháo gỡ những khó khăn cho ngành lúa gạo, VFA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xúc tiến nhanh kế hoạch thực hiện lộ trình tháo gỡ các điểm nghẽn khi xuất khẩu gạo sang các thị trường chất lượng cao, giá cao.
Những tín hiệu vui
Thị trường xuất khẩu gạo đầu năm 2017 đón một tin vui khi Việt Nam chính thức được xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc với 22 doanh nghiệp được cấp phép. Trong tháng 1/2017, đã có khoảng 20.000 tấn gạo được xuất khẩu qua thị trường này. Đây là tín hiệu tích cực với thị trường lúa gạo trong nước sau một thời gian trầm lắng. Dự báo giá gạo xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ được cải thiện so với năm 2016 khi thị trường này nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nghiêm ngặt các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Philippines cũng đã mua hơn 53.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam, nhằm gia tăng khối lượng dự trữ. Trong đó, Thái Lan đã trúng thầu 41.464 tấn gạo và Việt Nam trúng thầu 11.580 tấn. Trong vài tuần tới, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) sẽ cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu cho giới thương lái để nhập thêm gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Ấn Độ.
Mới đây, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho biết, bản Thỏa thuận thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines năm 2010 đã chính thức được gia hạn tới năm 2018. Theo đó, Việt Nam sẽ cung cấp tới 1,5 triệu tấn gạo/năm cho Philippines.
Bản thỏa thuận là cơ sở pháp lý vững chắc giúp Việt Nam tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu gạo tại Philippines - nước chủ yếu nhập khẩu gạo thông qua hình thức đấu thầu Chính phủ (G - G).
Năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cũng đón nhận tín hiệu đáng mừng đầu tiên khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký quyết định bãi bỏ quy hoạch Thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo. Theo quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quyết định số 6139 năm 2013 như khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo; khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo... đã chính thức được bãi bỏ.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội vàng cho doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp một số khó khăn. Việc bãi bỏ điều kiện xuất khẩu gạo rất phù hợp với xu thế chung, góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước sáng tạo, tự chủ cao hơn để đối mặt với thị trường xuất khẩu lớn.
Bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ nhằm sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng tiếp thu và mở rộng những cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và đặc biệt là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Dự thảo mới sẽ tập trung điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn khi thị trường do người mua quyết định và tình trạng mất cân đối cung - cầu.
Năm 2017, ngành gạo cũng đang đứng trước những cơ hội lớn khi được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại với ưu đãi lớn về thuế.
Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối, cơ hội cho gạo Việt Nam xuất khẩu gạo sang các quốc gia thuộc khu vực Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) là rất lớn khi FTA Việt Nam – EAEU chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016. Cụ thể, các thành viên EAEU sẽ dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch tổng là 10.000 tấn gạo được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Sau khi xuất khẩu đủ lượng này, sản phẩm gạo xuất khẩu sẽ chịu mức thuế 11,7% và VAT 10% - thấp hơn đáng kể so với con số 40% hiện nay.
Vào giữa tháng12/2016, Bộ Công Thương cũng đã có điều chỉnh áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2016 và 2017 với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% đối với hai nhóm có xuất xứ từ Campuchia, trong đó có mặt hàng gạo.
Điều chỉnh này dựa theo bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam - Campuchia nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.
P.V/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã