Việt Nam: Xuất khẩu gạo khởi sắc trong tháng 11
Lượng xuất khẩu gạo tăng mạnh trong tháng 11/2015 cũng đã góp phần đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2015 đạt 6,24 triệu tấn với kim ngạch khoảng 2,65 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng, nhưng giảm khoảng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Lý do chủ yếu giải thích cho lượng xuất khẩu gạo Việt Nam tăng đột biến là do Việt Nam đang thực hiện kế hoạch giao 2 triệu tấn gạo theo hợp đồng G to G với Philippine và Indonesia được ký vào tháng 10 năm nay (thời hạn giao hàng từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định, sau khi Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu gạo G to G qua Phillipines và Indonesia, diễn biến thị trường cũng đã thay đổi theo hướng có lợi cho xuất khẩu gạo trong nước.
Với tình hình thuận lợi như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 6,8 triệu tấn trong năm 2015, tăng gần 800.000 tấn so với con số dự báo của cơ quan này cuối tháng 9/2015.
Thái Lan: Nguồn cung cấp nước cho mùa khô hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử
Theo Bộ Thủy lợi Hoàng gia Thái (RID), các nguồn dự trữ cung cấp nước cho quốc gia (bao gồm nước tưới tiêu và nước sinh hoạt cho mùa khô kéo dài từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016) tại khu vực phía bắc và đồng bằng trung bộ hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử nước này (khoảng 4,2 tỷ m2). Con số này thấp hơn 35% so với năm 2014 và thấp hơn tới 64% so với lượng dự trữ trung bình trong 10 năm.
Theo đó, lượng cung cấp nước sẽ không đủ phục vụ cho việc tưới tiêu vụ lúa trái mùa 2015/16 như những năm trước. RID đã đưa ra thông báo sẽ dự trữ khoảng 1,1 tỷ m2 lượng nước cho mục đích sinh hoạt của quốc gia và khoảng 1,8 tỷ m2 cho công tác quản lý môi trường trong mùa khô này. Ngoài ra, khoảng 1,3 tỷ m2 được dự trữ cho mục tiêu sinh hoạt.
Trước tình hình hết sức căng thẳng về nguồn dự trữ cung cấp nước như vậy, từ tháng 9 năm nay, Chính phủ Thái đã buộc RID phải thực hiện những biện pháp cứng rắn để hạn chế tối đa việc tưới tiêu bằng cách ra lệnh cấm nông dân trồng lúa trái vụ.
Mặc dù cấm trồng lúa trái vụ, nhưng Chính phủ Thái vẫn hỗ trợ nông dân nước tưới tiêu đối với các giống cây trồng khác sử dụng ít nước tưới hơn. RID sẽ chuyển hướng cung cấp khoảng 400 triệu m2 từ nguồn dự trữ cung cấp nước tại khu vực phía bắc để giúp tưới tiêu cho các loại cây trồng khác như đường, cây ăn quả… tại đồng bằng trung bộ. Nguồn cung cấp nước này sẽ đủ cung cấp cho khoảng 0,1 triệu hecta.
Tuy nhiên, các số liệu vừa thu thập được cho thấy việc sử dụng nước đã cao hơn 10% so với kế hoạch vì nhiều nông dân vẫn tiếp tục dùng nước tưới tiêu cho vụ lúa trái mùa mặc cho lệnh cấm của Chính phủ. Tính đến ngày 25/11, khoảng 0,24 triệu hecta lúa trái mùa đã được trồng trong các khu vực tưới tiêu. Theo dự báo, tổng diện tích trồng lúa trái vụ khoảng 1,1 triệu hecta với sản lượng lúa khoảng 2,6 triệu tấn, giảm 47% so với năm 2014. Đây là lý do giải thích cho tổng sản lượng vụ lúa 2015/16 dự đoán ở mức 16,4 triệu tấn, thấp hơn 15% so với vụ lúa 2014/15. Thêm vào đó, vụ lúa chính 2016/17 trong khu vực phía bắc và đồng bằng trung bộ có khả năng bị hoãn khi việc tưới tiêu không đủ cung cấp cho đến tháng 8/2016.
Theo Cục Hải quan Thái, tổng lượng xuất khẩu gạo đạt 7,8 triệu tấm trong 10 tháng đầu năm, giảm 11% so với năm 2014, lượng giảm chủ yếu từ lượng xuất khẩu gạo trắng hạt dài và gạo đồ (parboiled rice - loại gạo đã hấp chín nửa chừng). Nguyên nhân chủ yếu của việc sụt giảm tổng sản lượng gạo Thái là do vấp phải sự cạnh tranh về giá với Việt Nam và Ấn Độ. Giá xuất khẩu của gạo trắng hạt dài của Việt Nam và Ấn Độ đã giảm 10-15% so với năm 2014 và rẻ hơn 40USD-50USD/tấn so với gạo Thái.
Dù sản lượng gạo xuất khẩu trong tháng 10 tăng đột biến, đạt 1,2 triệu tấn, so với trung bình trong 9 tháng đầu năm là 730.000 tấn. Tuy nhiên, theo dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm có khả năng chỉ đạt 600.000-700.000 tấn.
Nguyên nhân giải thích cho sản lượng gạo tăng đột biến trong tháng 10 là nhờ vào lượng gạo trắng hạt dài giao cho các nước châu Phi và Philippine. Lượng gạo trắng hạt dài này chủ yếu lấy từ nguồn dự trữ gạo của Chính phủ và được bán với giá 310USD-320USD/tấn đối với gạo trắng 5% tấm, theo trị giá FOB).
Mức giá này rẻ hơn 30USD-40USD/tấn so với gạo Việt Nam vốn được bán với giá 350USD/tấn trong tháng 10. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp cho tình hình xuất khẩu gạo Thái sáng sủa hơn trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016 khi Chính phủ nước này tạm ngưng việc bán lượng gạo tồn kho trong tháng 10/2015 nhằm ngăn chặn viễn cảnh giá gạo trong nước giảm trong vụ thu hoạch chính 2015/16.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã