Để đạt được mục tiêu kim ngạch 6,5 tỷ USD cả năm 2012, XK thủy sản còn nhiều vướng mắc cần giải quyết: Cần thay đổi một số quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm; giải quyết vấn đề kiểm soát Ethoxyquin khi XK vào Nhật Bản; hỗ trợ vốn, giãn nợ và hạ lãi suất đối với các khoản vốn đã vay; hạn chế dịch bệnh lây lan trên tôm bằng nhiều giải pháp như: cải tạo môi trường nuôi trồng, hạn chế sử dụng các chất diệt tạp, hóa chất cấm...
Là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do tôm chết, ông Nguyễn Văn Khởi- Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng- cho biết: Mùa vụ năm 2011- 2012, tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng vì tôm chết, phần lớn là do bệnh đốm trắng, đầu vàng, hội chứng teo và hoại tử gan... Trước thực trạng tôm chết hàng loạt, ông Khởi kiến nghị: Chính phủ có chính sách hỗ trợ nuôi tôm như đối với cá tra (giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất 11%/tháng).
Để tiếp tục đẩy mạnh XK thủy sản, bên cạnh các thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Nhật Bản, ngành thủy sản cũng cần tiếp tục đẩy mạnh XK sang các thị trường tiềm năng khác đang có sức tăng trưởng khả quan như: Hàn Quốc, ASEAN, Trung Quốc và Hồng Kông, Australia, Mexico...
Bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản bằng các biện pháp như: Xây dựng tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn kết hợp tăng cường kiểm soát các cơ sở chế biến; triển khai đồng bộ các tiêu chuẩn quy định quy trình, quy phạm về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định hóa chất và chế phẩm được phép sử dụng...
Song song với đó, các doanh nghiệp phải đánh giá đúng khả năng sản xuất và có định hướng XK rõ ràng, để từ đó tận dụng tối đa các lợi thế vẫn được coi là thế mạnh của doanh nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm XK có chất lượng cao...