Năm 2014, tình hình xuất khẩu thủy sản nói chung, con tôm nói riêng cũng có nhiều bất cập. Như tại thị trường chính là Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam 6,37%, cao nhất từ trước đến nay. Do vậy, xuất khẩu tôm vào thị trường này sẽ giảm và mức thuế này ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu tôm vào Mỹ quý IV/2014. Còn tại thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam gặp rào cản kháng sinh. Ngoài ra, năm qua, tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với tôm Indonesia, Ấn Độ, Ecuador do sản lượng tôm các nước này năm nay tăng mạnh.
Hiện, xuất khẩu tôm Việt Nam nhiều nhất sang Mỹ - Ảnh: An Đăng
Chỉ có thị trường châu Âu là điểm sáng, khi xuất khẩu tôm sang EU tiếp tục tăng mạnh trong quý III, EU trở thành thị trường có sức tăng trưởng cao nhất trong nhóm 5 thị trường tiêu thụ chính tôm Việt Nam những tháng đầu năm 2014. Xuất khẩu sang Đức, thị trường lớn nhất trong EU, tăng trên 63% và xuất sang Hà Lan tăng mạnh. Tại thị trường Hàn Quốc, Úc, sản lượng tôm Việt Nam xuất sang cũng tăng mạnh, giúp bù đắp phần nào sự giảm sút và thách thức từ thị trường Mỹ, Nhật.
Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng Hội chứng tôm chết sớm (EMS), thị trường tôm thế giới tiếp tục ảm đạm. Các cường quốc sản xuất tôm như Mexico đang nhập khẩu nhiều tôm hơn xuất khẩu, trong khi sản xuất của Thái Lan đến nay vẫn thấp hơn năm ngoái. Nguồn cung của Ấn Độ cũng thấp hơn so với dự báo. Chỉ Ecuador đang tăng sản lượng, nhưng không nhiều. Nguồn cung thị trường tại thời điểm này là hạn chế; do vậy, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ không quá khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam; vấn đề ở chỗ có tận dụng được cơ hội này hay không.
“Ngoài thị trường lớn là Mỹ, chúng tôi vẫn tìm đường chuyển thị phần sang thị trường khác. Với thị trường Mỹ, doanh nghiệp chỉ giữ lại cho các sản phẩm chế biến sâu và có giá trị gia tăng cao…” - ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex cho hay.
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh giải pháp tìm kiếm thị trường, mở rộng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần quản lý chặt chẽ hơn chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, để chủ động ứng phó thuế chống bán phá giá của DOC hằng năm cũng như kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm.
Về lâu dài, theo các chuyên gia, vì nông dân còn có thói quen sử dụng kháng sinh trong phòng trừ dịch bệnh tôm, các cửa hàng thuốc thú y, vật tư thủy sản được coi là “thầy lang” của người nuôi tôm. Do đó, vấn đề quan trọng nữa là làm sao nâng dần ý thức người dân trong việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, để từ đó kiểm soát được chất lượng tôm thương phẩm.
>> Với tình hình thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam thuận lợi như hiện tại, dự báo tổng giá trị xuất khẩu năm 2014 sẽ đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2013 và cao kỷ lục từ trước tới nay. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã