Thành tựu
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, năm 2012, mặc dù thị trường nông sản bị tác động mạnh bởi khủng hoảng nợ công ở khu vực châu Âu, sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, giá nhiều loại nông sản liên tục giảm, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, càphê, cao su…, song hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của nước ta đều tăng mạnh cả về khối lượng và kim ngạch. Theo đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,8%, lâm nghiệp tăng 6,4%, thủy sản tăng 4,5%. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành (GDP) đạt 2,72%.
Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, có 3 mặt hàng đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD trở lên là gạo, càphê, đồ gỗ; 5 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là cao su, cá tra, tôm, hạt điều, sắn và các sản phẩm sắn. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là càphê (tăng 36%), sắn và sản phẩm sắn (tăng 40,6%), rau quả (tăng 29%)… Năm 2012, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục về khối lượng, với 8,1 triệu tấn (tăng 13,9%), thu về 3,7 tỷ USD.
Năm qua, sản xuất càphê của nước ta vừa được mùa, vừa được giá và xuất khẩu đã vượt Brazil, vươn lên đứng đầu thế giới. Cụ thể, 2012 là năm thứ 5 liên tiếp diện tích thu hoạch càphê của Việt Nam vượt mốc 500.000ha, sản lượng vượt 1 triệu tấn, khối lượng xuất khẩu cũng vượt mốc 1 triệu tấn. Tính theo niên vụ (từ 1/10/2011 đến 30/9/2012), ước tính khối lượng xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 3 tỷ USD. Đây cũng là mặt hàng có tốc độ tăng khá cao so với năm trước (lượng tăng 34,6%, kim ngạch tăng 29,5%, cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Theo Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam, mấy năm gần đây, người trồng càphê đã chủ động trong việc tham gia điều tiết thị trường, tình trạng găm hàng chờ giá đã giảm nhiều. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thu mua càphê giữa các công ty trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng đã bước đầu tạo ra thị trường có lợi cho người trồng càphê nước ta.
Lợi nhuận xuất siêu còn thấp
Dù con số xuất siêu của ngành nông nghiệp “đẹp như mơ” nhưng theo các chuyên gia, trên thực tế giá gạo xuất khẩu của nước ta có xu hướng giảm. Năm 2012, giá xuất khẩu bình quân chỉ ở mức 457 USD/tấn, giảm 10,4% so với năm 2011. Ngoài ra, thị trường của ngành cũng có nhiều thay đổi, trong đó thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhất so với năm ngoái, gấp 6,4 lần về lượng và 5,4 lần về giá trị, trở thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, trong khi một số thị trường lớn khác như Indonesia, Singapore, Philippines... sụt giảm mạnh cả về lượng và giá trị. Dự kiến năm 2013, ngành lúa gạo phải đối diện với khá nhiều khó khăn khi một loạt thị trường đang có dấu hiệu giảm nhập khẩu.
Việt Nam hiện có vị trí cao trong các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng với giá gạo xuất khẩu như hiện nay thì vẫn có quá nhiều loại phí chưa được tính vào giá gạo xuất khẩu. Nếu tính toán cụ thể những chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu về thì người nông dân đang phải “bảo hộ vô điều kiện” cho các nước nhập khẩu lương thực. Do đó, thời gian tới, giá gạo xuất khẩu cần phải được tính toán kỹ hơn.
TS.Hoàng Thị Vân Anh, chuyên gia kinh tế về lúa gạo (Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương) cho biết, khi so sánh lợi nhuận bình quân thu được trên 1 tấn gạo thấy, hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam đạt được còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, điển hình là Thái Lan. Ví dụ, tổng chi phí sản xuất 1 tấn gạo từ các khâu sản xuất, thu gom, chế biến đến tiêu thụ gạo của nước ta bình quân khoảng 921 USD/tấn, lợi nhuận 145 USD/tấn, trong khi Thái Lan chi phí 915 USD/tấn, lợi nhuận 222 USD/tấn. “Chi phí sản xuất gạo của Việt Nam và Thái Lan chênh nhau không nhiều nhưng lợi nhuận thu được của ngành gạo Việt Nam chỉ bằng 65,1% so với Thái Lan do gạo của họ có chất lượng và giá bán cao hơn. Như vậy, cứ 1 tấn gạo, ngành lúa gạo Thái Lan thu được lợi nhuận cao hơn Việt Nam khoảng 78 USD”, TS. Vân Anh phân tích.
Bên cạnh đó, theo điều tra mới nhất của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tại Đồng bằng sông Cửu Long, không một giống lúa nào cho lợi nhuận biên vượt quá 25%, thậm chí với các giống chất lượng càng cao thì lợi nhuận biên còn thấp hơn 20%. Còn trong sản xuất càphê, nông dân chỉ được hưởng lợi khoảng 10% trong tổng giá trị gia tăng của sản phẩm càphê cuối cùng. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng có rất ít nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất nông nghiệp mà chỉ tập trung cho thu mua và thương mại.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Công ty Càphê Biên Hòa khẳng định: “Khi bán 1kg càphê nhân, chúng ta có khoảng 2USD, tương đương giá trung bình 1 ly càphê ở các nước nhập khẩu, trong khi 1kg càphê nhân có thể pha được 50 ly càphê. Về khối lượng, càphê Việt Nam chiếm 20% thị phần nhưng về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần càphê thế giới”.
Những con số thực tế buồn này càng khiến ngành nông nghiệp phải nhìn lại thành tích năm 2012. Sự tăng trưởng của ngành, nếu được gắn với tương quan chung, đặc biệt là gắn với lợi nhuận của nông dân thì sự bền vững mới được đảm bảo.
Về khối lượng, càphê Việt Nam chiếm 20% thị phần, nhưng về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần càphê thế giới.
Thái Linh (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã