Trang trại Hương Xuân của gia đình Ông Nguyễn Sinh, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông hiện có khoảng 1,5 ha trồng cam cho thu hoạch trung bình từ 30-40 tấn/năm.
Ông Sinh cho biết, từ năm 2015 gia đình ông bắt đầu thử nghiệm các phương thức trồng cam mới, kết hợp với việc chăm bón đã cho năng suất cao và mỗi vụ mùa tiêu thụ đều được các thương lái đến thu mua hết. Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh đã khiến cho việc vận chuyển, đi lại khó khăn dẫn đến khi bắt đầu vào mùa thu hoạch, lượng cam trong vườn nhà ông Sinh vẫn còn hơn một nửa chưa tìm được đầu ra.
"Sản lượng cam của gia đình năm nay đạt hơn 35 tấn, trái cam mọng nước, ngon và ngọt tuy nhiên đến thời điểm này chúng tôi mới bán được hơn 12 tấn. Từ đầu tháng 10, Bưu điện tỉnh đến hỗ trợ chúng tôi tiêu thụ và sau 5 ngày cũng đã tiêu thụ được cho riêng gia đình tôi 2,5 tấn cam. Tôi thấy cách làm của Bưu điện rất bài bản, chuyên nghiệp, hỗ trợ chúng tôi từ khâu thu hoạch, đóng gói và vận chuyển. Mong rằng đến cuối vụ, qua kênh tiêu thụ của Bưu điện tỉnh, gia đình chúng tôi sẽ bán được hết sản lượng", ông Sinh cho biết.
Với mong muốn hỗ trợ bà con nông dân trồng cam Nam Đông tiêu thụ, vượt qua khó khăn trong mùa dịch để ổn định cuộc sống, sản xuất và kinh doanh, từ giữa tháng 9, Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những hoạt động nhằm kết nối đưa đặc sản cam đến tay người tiêu dùng không chỉ trong nội tỉnh mà hướng đến việc giới thiệu ra các tỉnh bạn thông qua hệ thống các điểm bán hàng trải dài từ Bắc vào Nam của Bưu điện Việt Nam.
Đến thời điểm này, sau hơn 10 ngày vào cuộc, Bưu điện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kết nối tiêu thụ được hơn 11 tấn cam Nam Đồng trong đó tiêu thụ ngoại tỉnh đạt gần 9 tấn.
"Do những ngày qua thời tiết có mưa, không thuận lợi cho việc thu hoạch nên việc kết nối tiêu thụ cam ít nhiều bị ảnh hưởng, ngoài ra dịch bệnh cũng khiến cho việc vận chuyển sang các tỉnh bạn cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong hơn 10 ngày qua, chúng tôi đã tích cực hỗ trợ để tiêu thụ thông qua các điểm bán tại bưu cục và Bưu điện văn hóa xã của tỉnh và đến giờ đã tiêu thụ được hơn 2 tấn cam Nam Đông cho người dân và phấn đấu đến khi hết vụ mùa sẽ tiêu thụ được 100 tấn cam cho bà con", ông Lê Văn Nghị, Giám đốc Bưu điện tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết.
Xác định hướng đi lâu dài để phát triển bền vững nông sản Việt nhằm giúp đỡ các hộ nông dân, hợp tác xã có thể chủ động hơn nữa trong việc tiêu thụ, Bưu điện tỉnh trong thời gian qua cũng đã có kế hoạch triển khai hội nghị, lớp tập huấn để hướng dẫn đưa người nông dân lên sàn. Đến thời điểm này, đã có gần 1.000 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh có tài khoản trên nền tảng thương mại điện tử Nông sản Việt – Postmart với hơn 50 sản phẩm được giới thiệu đến mọi người dân trên toàn quốc.
Theo Tùng Đinh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã