Số tôm của HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành bị ứ đọng lên đến 16 tấn nhưng mức tiêu thụ hằng ngày rất ít.
Dự báo trước việc sẽ khó tiêu thụ hàng hóa do dịch bệnh COVID-19 nên đầu tháng 6 năm nay, HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành chỉ thả giống 16/33 ao nuôi theo hình thức “cuốn chiếu”. Theo đó, HTX thả theo 4 đợt, mỗi đợt 4 ao nuôi cách nhau 15 ngày. Cũng vì thu hẹp sản xuất nên HTX chỉ duy trì 10/20 thành viên so với các vụ trước.
Dự báo sức mua giảm nên vụ tôm này, HTX đã chủ động giảm số ao nuôi từ 33 xuống còn 16 ao.
Nhờ thời tiết thuận lợi và dày công chăm sóc nên thời điểm này, số tôm nuôi của HTX đạt 37 - 40 con/kg, trung bình mỗi ao nuôi đạt sản lượng khoảng 4 tấn tôm. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Dũng - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành, giá tôm hiện giảm mạnh, từ 210 - 220 ngàn đồng/kg ở vụ trước nay chỉ còn 135 - 145 ngàn đồng/kg trong khi sản lượng tiêu thụ cũng rất ít. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các thương lái ngoại tỉnh không đến các hồ nuôi của HTX để thu mua như những vụ trước.
Cũng theo các thành viên HTX, nguyên nhân khiến giá tôm giảm do đây là vụ nuôi chính trong năm nên nguồn cung rất lớn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm sút do dịch bệnh COVID-19 nên các hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch bị đình trệ; cơ sở đông lạnh thu mua nhỏ giọt; đối tác ngoại tỉnh gặp khó khăn trong việc lưu thông...
Thương lái thu mua tôm tại HTX với số lượng ít, trung bình mỗi ngày chỉ xấp xỉ 5 tạ.
Theo tính toán của HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành, lượng tôm đến kỳ xuất bán của HTX hiện ứ đọng khoảng 16 tấn. Điều này đang khiến các thành viên HTX rất lo lắng. Được biết, mỗi ngày, HTX chi phí từ 45 - 50 triệu đồng cho thức ăn, điện, công chăm sóc các hồ nuôi. Đó là chưa tính đến những sự cố bất thường có thể xảy ra trong những ngày tới như bão lũ hoặc phát sinh dịch bệnh...
Nhằm hỗ trợ HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành, các ngành, đơn vị của huyện Nghi Xuân như: Phòng NN&PTNT, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân... đang cố gắng tìm giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa với các hoạt động như: chủ động kết nối với các đơn vị thu mua, lập các nhóm trên mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm...
Các thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành làm vệ sinh ao nuôi, lường trước thị trường để có kế hoạch cho vụ nuôi mới.
Ông Lê Thanh Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: Theo thống kê, vụ tôm này người dân trên địa bàn đã lường trước khó khăn trong tiêu thụ nên đã giảm lượng nuôi. Tuy nhiên, HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành có số thành viên đông với hồ nuôi khá nhiều nên dù đã giảm nhưng đến nay vẫn tồn đọng lượng sản phẩm lớn. Để góp phần hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản, các ngành, đơn vị ở địa phương cũng đang tập trung cho các giải pháp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng.
Bên cạnh sự nỗ lực kết nối của HTX từ đối tác ở Quảng Bình, chúng tôi cũng đã tính đến phương án đề nghị các cửa hàng nông sản trên địa bàn huyện thu mua, bày bán để hỗ trợ HTX vượt qua khó khăn.
Theo Hoài Nam/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã