Sau khi dịch tả lợn châu Phi tạm lắng xuống, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học. Tuy nhiên do lợn giống khan hiếm, giá lợn giống cũng tăng quá cao khiến cho người chăn nuôi khó tái đàn, dù giá heo hơi vẫn đang ở mức rất hấp dẫn.
Nguồn cung khan hiếm
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 44.000 con lợn bị chết và tiêu hủy, trong số đó có khoảng 10.000 con lợn nái. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nguồn cung lợn giống, lợn hơi khan hiếm sau dịch khiến cho giá lợn giống tăng cao gấp 2 – 3 lần so với thời điểm trước dịch.
Theo khảo sát của PV Dân Việt, hiện tại giá lợn giống tại các xã, huyện trên địa bàn Hà Tĩnh dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, rẻ nhất là lợn trắng thường với mức giá từ 1,5 triệu – 3 triệu đồng mỗi con ( khoảng 6 – 10kg). Giá giống lợn siêu hiện tại từ 3 triệu – 3,5 triệu đồng mỗi con từ 6 – 7 kg.
Không chỉ giá lợn đắt đỏ mà hiện nay lợn giống trên thị trường cũng rất khan hiếm. Thời điểm này, chỉ có một số trang trại lớn, doanh nghiệp chăn nuôi mới có lực và có lợn nái để tái đàn, còn hầu hết các nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn chật vật, thậm chí nhiều hộ có tiền cũng không mua được lợn giống chuẩn để nuôi.
Chị Võ Thị Thắm (sinh năm 1978) tại thôn Liên Qúy, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho hay: Trong đợt dịch tả châu Phi vừa qua, gia đình tôi phải tiêu hủy 50 con lợn thịt và 3 con lợn nái, đau xót lắm.
Sau khi đàn lợn của gia đình bị dịch phải tiêu hủy, gia đình chị Thắm đã chủ động xử lý khử trùng chuồng trại để chờ đợi cơ hội tái đàn, nắm bắt thời cơ giá heo hơi tăng cao. Sau hơn 6 tháng nghỉ chăn nuôi, mới đây, vợ chồng chị đã may mắn mua được 40 con lợn giống của một trại ở địa phương.
"Lúc này dịch vẫn còn bùng phát ở một số nơi nên chúng tôi vừa nuôi vừa run. Hiện tại cứ cách 2 ngày, tôi lại khử trùng chuồng trại một lần để đảm bảo môi trường sống tốt nhất và an toàn cho đàn lợn", chị Thắm bộc bạch.
Cùng tình cảnh với gia đình chị Thắm, trang trại của gia đình bà Lê Thị Hiền, ông Nguyễn Danh Thể ở thôn Quyết Tiến, xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) cũng đang chật vật tìm mua lợn giống.
Mặc dù trang trại của gia đình bà Hiền không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi và đã đủ điều kiện tái đàn nhưng hiện tại vợ chồng bà vẫn chưa mua được con giống, một phần do giá heo giống tăng cao, phần vì khó mua. Với diện tích chuồng trại đủ sức nuôi 500 con/lứa, vậy mà giờ cả trang trại của bà chỉ có vỏn vẹn khoảng 50 con lợn chuẩn bị xuất bán.
Nếu bán đàn lợn xong, vợ chồng bà Hiền rất có thể phải để chuồng trống vì hiện tại vẫn chưa đặt mua được con giống để tài đàn tiếp.
"Bài toán nuôi lợn hiện nay đang rất bấp bênh. Nếu như chúng tôi đổ dồn vốn để mua nuôi 200 – 500 con/lứa như trước đây, với giá lợn giống quá cao như hiện tại thì chúng tôi phải bỏ ra cả tỷ đồng. Nếu tái đàn lợn xong mà lại xảy ra dịch bệnh hoặc giá lợn hơi giảm mạnh thì lại có nguy cơ lỗ nặng, thiệt hại lớn", bà Hiền chia sẻ.
Doanh nghiệp lớn báo giá quá cao
Dù đang rất muốn tái đàn nhưng nhiều ngày nay, vợ chồng bà Hiền vẫn chưa tìm mua được lợn giống. Thậm chí, bà còn liên hệ với nhiều công ty chăn nuôi lợn trong và ngoài tỉnh nhưng đều thất bại.
"Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ nhưng các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đều lắc đầu vì không có hàng. Có doanh nghiệp còn lợn nhưng báo giá quá cao nên vợ chồng tôi phải rút lui", bà Hiền ngậm ngùi.
Không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi do công tác phòng dịch tốt, nhưng đến giờ gia đình anh Võ Quốc Nhuần và chị Phan Thị Từ tại thôn Tân Văn, xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) cũng đang chờ lợn nái sinh sản để tiếp tục tái đàn.
"Trước thời điểm dịch diễn ra chúng tôi vẫn thường đi mua lợn giống về nuôi. Thế nhưng hiện tại giá lợn giống quá cao khiến gia đình tôi và bà con ở địa phương không kham nổi", chị Từ nói.
Nguồn hy vọng của cả gia đình chị Từ hiện giờ là chờ ba con lợn nái của nhà đẻ mới có lợn giống để tái đàn.
"Chúng tôi đang chờ lợn đẻ từng ngày. Mong mọi thứ đều thuận lợi để gia đình có lợn giống tái đàn, vượt qua khó khăn", chị Từ cho biết.
Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 17/6 đã kết thúc chu kì giảm giá đồng loạt. Trong đó cao nhất tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động từ 88.000 – 92.000 đồng/kg. Tại miền Trung, giá heo hơi quanh mức 84.000-88.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Nam cũng dao động phổ biến từ 85.000 - 88.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay cao nhất miền Nam là tại Long An, Bến Tre, Kiên Giang, đạt 88.000 đồng/kg.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, sau khi dịch tả lợn châu Phi lắng xuống, tỉnh Hà Tĩnh khuyễn khích tái đàn cả trong trang trại và nông hộ, song tập trung mạnh ở khối trang trại vì việc đảm bảo an toàn dịch bệnh ở các đơn vị chăn nuôi lớn được thực hiện cực kỳ chặt chẽ. Con số tổng hợp đến thời điểm này cũng cho thấy, tỷ lệ chăn nuôi trang trại toàn tỉnh đã tăng lên đạt 55%, cao hơn trước đây từ 15 – 25%.
"Mặc dù chúng tôi khuyến khích tái đàn lợn cả trong trang trại và nông hộ, nhưng việc tăng đàn đang gặp 2 khó khăn chính. Một là khan giống, hai là dịch bệnh giảm nhưng chưa hết hẳn nên bà con đầu tư tái sản xuất có tâm lý dè dặt", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Võ Thị Hoài/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã