Ông Bùi Văn Điển chuẩn bị xuất bán 150 con lợn trong chuồng cho thương lái.
Khoảng 1 tuần nữa, ông Bùi Văn Điển (xã Thạch Hội, Thạch Hà) sẽ xuất bán 150 con lợn trong chuồng với giá dự kiến khoảng 82.000 đồng/kg lợn hơi. Ông Điển cho biết: “Sau một đợt giảm mạnh giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 về mức 62.000 - 63.000 đồng/kg, đến nay, giá lợn đang trên đà tăng lên do nhu cầu cuối năm thường lớn.
Lứa lợn này của trang trại bán đúng thời điểm, trọng lượng trung bình mỗi con đạt khảng 83 kg, trừ chi phí sản xuất, con giống thì tôi lãi được khoảng gần 2 triệu đồng/con, thu về gần 300 triệu đồng. Đây là một khoản không hề nhỏ đối với người chăn nuôi như chúng tôi”.
Giá lợn hơi tại Hà Tĩnh đang có xu hướng tăng lên do nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cận tết lên cao.
Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc HTX Minh Lộc (Cẩm Xuyên) thông tin: Giá lợn hơi đã có xu hướng tăng lên trong vòng 20 ngày trở lại đây, hiện đang ở mức trung bình từ 81.000 - 83.000 đồng/kg. Nhiều người chăn nuôi nhận định, giá lợn hơi có thể sẽ tiếp tục tăng lên mức 85.000 - 86.000 đồng/kg.
Ông Bính cho biết: “Nhờ siết chặt công tác phòng dịch, tuân thủ nghiêm các hướng dẫn về chuyên môn nên hiện tại, tổng đàn hơn 1.500 con của HTX đang phát triển ổn định. Nhu cầu tăng nhanh nên dự kiến từ ngay đến hết tháng 12 âm lịch, HTX chúng tôi sẽ xuất bán ra thị trường 400 con lợn thương phẩm từ 85 - 90 kg. Mặc dù các chi phí phòng dịch phát sinh, thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng bị đội lên khá nhiều nhưng cơ sở chủ động được con giống nên vẫn đảm bảo có lãi ổn định, tiếp tục tái sản xuất”.
HTX Minh Lộc (Cẩm Xuyên) sẽ xuất bán 400 con lợn thương phẩm từ nay đến hết tháng 12 âm lịch.
Cùng với việc đẩy mạnh xuất bán ra thị trường lượng lớn trong những ngày tiếp theo, các trang trại quy mô tiếp tục duy trì, quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho đàn lợn giống, đàn nái, đáp ứng nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi khi dịch bệnh được khống chế.
Chị Nguyễn Thị Nghĩa – Giám đốc HTX Thắng Lợi (Nghi Xuân) cho hay: “Trên địa bàn huyện đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi mới nên chúng tôi càng phải cẩn thận. Việc phun tiêu độc khử trùng, kiểm soát hoạt động mua bán ra ngoài, hạn chế tiếp xúc tối đa với môi trường bên ngoài được chủ động thực hiện tốt”.
Quá trình phòng dịch được các trang trại thực hiện cẩn thận, đảm bảo an toàn cho sự phát triển của đàn lợn.
Không chỉ các gia trại, trang trại, người chăn nuôi nông hộ cũng đang cảm thấy yên tâm hơn khi giá lợn “nhích” lên khá cao vào đợt cận tết.
Ông Nguyễn Văn Hướng (xã Xuân Lộc, Can Lộc) cho biết: “Địa phương vừa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng đã được khống chế và qua 21 ngày không phát hiện ổ dịch mới nên tâm lý người chăn nuôi tại đây cũng thoải mái hơn.
Trong chuồng của gia đình đang có 15 con lợn đạt từ 75 - 77 kg/con và đã được nhiều thương lái đến hỏi mua. Với giá bán hiện nay, trừ chi phí và tiền giống, tôi lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con, có thêm đồng ra đồng vào để sắm sửa cho gia đình, chuẩn bị đón tết. Tôi tranh thủ bán hết trong ít ngày tới, ra năm xem tình hình thị trường, dịch bệnh rồi lại tính tiếp”.
Nhu cầu sử dụng các loại thịt như lợn, bò, trâu, gà... của người dân đều tăng lên trong tháng 12 âm lịch.
Theo chia sẻ của người chăn nuôi, việc giá lợn tăng gần đây là điều tất yếu bởi theo quy luật vào dịp gần tết Nguyên đán, giá hầu hết các mặt hàng nông sản, trong đó có thịt lợn đều tăng. Nguyên nhân bởi thịt lợn là nguyên liệu đầu vào chính để làm giò chả, xúc xích, bánh chưng và các loại thực phẩm chế biến khác nên nhu cầu trước tết là cao điểm nhất.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Khắc Khánh cho hay, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang được các địa phương trên toàn tỉnh kiểm soát khá tốt, chưa tác động, ảnh hưởng lớn đến tổng đàn chăn nuôi và lượng thịt bán ra thị trường trước và sau tết Nguyên đán Tân Sửu. Hơn nữa, đối với mức giá bán hiện nay, người chăn nuôi mới có lãi vì ban đầu giá con giống nhập vào đã ở mức rất cao (trên 3,2 triệu đồng/con) cùng với đó là các chi phí phát sinh như thuốc, thức ăn, phòng dịch...
Dịp trước và sau tết Nguyên đán là thời điểm các doanh nghiệp, trang trại, người chăn nuôi nhỏ lẻ xuất bán số lượng lớn thịt lợn ra thị trường.
Ngành chuyên môn vẫn tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi tại các vùng đang xẩy ra dịch bệnh không nên tái đàn ồ ạt, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động kiểm soát tốt hoạt động mua bán, vận chuyển lợn dịp cận tết trên địa bàn vì dịch tả lợn châu Phi vẫn đang có nguy cơ lây lan cao - ông Khánh cho biết thêm.
Theo xu hướng thị trường, những ngày tới, thịt lợn có thể tăng thêm nhưng được dự báo là khó xảy ra "cơn sốt” như cuối năm 2019 đầu 2020 do nguồn cung trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung khá dồi dào, ổn định. Tuy nhiên, giá thịt lợn luôn chịu chi phối chung của thị trường nên nếu xu hướng chung tăng thì Hà Tĩnh chắc chắn sẽ chịu tác động.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã