Hệ thống siêu thị lớn quảng bá vải thiều Việt Nam. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
21 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản (rau, củ, quả tươi, sấy khô, các loại hạt, gia vị...); thủy sản (khô, đông lạnh và đóng hộp); thực phẩm chế biến; đồ uống (cà phê, sữa, nước ép trái cây...)… sẽ tham gia giới thiệu, chào bán sản phẩm tới các nhà nhập khẩu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, để ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh COVID-19, chính quyền trung ương Trung Quốc nói chung và chính quyền các địa phương nước này nói riêng đã ban hành nhiều biện pháp phòng chống dịch. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm các loại ở Trung Quốc. Theo ông Đỗ Quốc Hương, Phụ trách Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh (Vân Nam), hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vân Nam, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã cơ bản được khôi phục hoàn toàn, tuy nhiên tình hình sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Thông tin từ ngành nông nghiệp Vân Nam cho thấy, vụ mùa xuân hè năm nay sẽ không thực hiện được theo như kế hoạch đặt ra. Chính quyền tỉnh Vân Nam đang chỉ đạo sát sao để lấy vụ hè thu và vụ đông xuân thời gian tới bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa nông sản, thực phẩm hiện thời của tỉnh.
Hiện chưa có báo cáo đánh giá chính thức, nhưng theo dự báo của Sở Thương mại Vân Nam, thời gian từ nay đến hết tháng 6/2020, thị trường tỉnh Vân Nam sẽ thiếu hụt một số lượng lớn (khoảng 25- 35%) các loại hàng hóa nông sản thiết yếu (nhóm hàng rau quả, lương thực, thực phẩm...) phục vụ cho đời sống nhân dân. Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh dự báo, nhu cầu về lương thực, thực phẩm tại thành phố Côn Minh nói riêng và tỉnh Vân Nam nói chung trong thời gian tới sẽ ngày càng tăng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thúc đẩy giao thương để nắm bắt cơ hội kinh doanh các sản phẩm này với tỉnh Vân Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, đơn vị này đã nhanh chóng đánh giá diễn biến và xu hướng thị trường Trung Quốc trên cơ sở tác động của dịch bệnh, đồng thời tiến hành trao đổi với hàng loạt các cơ quan thương mại các tỉnh, thành tiềm năng của Trung Quốc về việc đồng hợp tác tổ chức các chương trình giao thương trực tuyến cho doanh nghiệp hai bên. Các hoạt động này sẽ hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp duy trì các mối liên hệ đối tác thường xuyên, liên tục và tiếp tục thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh triển vọng ngay cả trong thời kỳ phòng chống dịch. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc, Cục Xúc tiến thương mại đã có kế hoạch thực hiện khoảng 8 đến 10 sự kiện kết nối giao thương, sử dụng phương thức “triển lãm đám mây” và “không tiếp xúc trực tiếp” trong năm 2020.
Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) 2020 là sự kiện giao thương trực tuyến thứ 3 với thị trường Trung Quốc do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện trong gần 2 tháng qua. “Ngay sau sự kiện với Vân Nam, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tổ chức hàng loạt các sự kiện giao thương trực tuyến khác với các tỉnh, thành khác của Trung Quốc như Quảng Tây, Sơn Đông, Thanh Hải, Trùng Khánh, Chiết Giang…” bà Thủy thông tin thêm.
Bắc Giang quảng bá vải thiều trực tuyến sang thị trường Singapore
Trong khuôn khổ Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Singapore 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 29 và 30/5 tới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore sẽ hỗ trợ tỉnh Bắc Giang giới thiệu, quảng bá về trái vải thiều Bắc Giang tới thị trường Singapore tiềm năng.
Thông tin từ Tiến sĩ Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore cho biết, thị trường này đang nhập trái vải từ Thái Lan, Đài Loan, tuy nhiên chất lượng vải từ các quốc gia này kém xa vải thiều Việt Nam. Singapore dù rất chuộng trái vải Việt Nam vì độ thơm, ngon nhưng hàng năm vẫn chủ yếu nhập vải thiều Việt Nam thông qua các nhà buôn Trung Quốc, lượng nhập trực tiếp từ Việt Nam còn hạn chế.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về trái vải Việt Nam nói chung, vải thiều Bắc Giang nói riêng tới thị trường Singapore, thúc đẩy kết nối xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam sang Singapore, kết hợp với việc tìm biện pháp bảo quản, vận chuyển trái vải từ Việt Nam tới quốc đảo này một cách nhanh chóng, giữ được hương vị và chất lượng tươi ngon sẽ hết sức quan trọng. Do đó, tại Hội nghị giao thương trực tuyến với sự hợp tác của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore tới đây, tỉnh Bắc Giang sẽ có cơ hội tốt để quảng bá và tiếp cận trực tuyến với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trái cây của Singapore.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm 2020, Bắc Giang duy trì diện tích trồng vải thiều 28.000 ha; sản lượng ước đạt 160.000 tấn (chiếm phần lớn diện tích và sản lượng vải thiều của Việt Nam). Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 15.000 ha, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS; Cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng; cơ quan chức năng Trung Quốc chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói… Tỉnh Bắc Giang sẵn sàng các điều kiện và đáp ứng đủ số lượng quả vải xuất khẩu sang Singapore và các nước trên thế giới. Hiện, Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp cùng Sở Công Thương Bắc Giang chuẩn bị các nội dung quảng bá hiệu quả nhất về quả vải thiều Bắc Giang tới các nhà nhập khẩu Singapore thông qua Hội nghị giao thương.
Đỗ Hương
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã