Vắng bóng thương lái vì dịch Covid-19
Mấy tuần qua, gia đình ông Nguyễn Thành Thà (nuôi thủy sản tại tiểu khu 1, sông Chà Và) đứng ngồi không yên vì các loại cá, hàu của gia đình dù đã quá ngày xuất bán nhưng không có người hỏi mua.
Đứng trên những lồng bè cá chưa xuất bán được, ông Thà than vãn: “Do các mối nhà hàng, quán ăn đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 nên 4 lồng cá của gia đình tôi đã quá thời gian thu hoạch cả tháng rồi nhưng vẫn chưa tìm được nguồn tiêu thụ. Cá càng để lớn càng tốn thức ăn, nếu cứ tiếp tục phải duy trì đàn cá lâu ngày thì quá tốn kém và bị thua lỗ!”.
Theo ông Thà, ước tính có khoảng 1,5 tấn cá chim và bớp của gia đình ông đang còn tồn đọng dưới lồng bè nuôi, trung bình mỗi ngày ông phải đổ xuống gần 2 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Chưa kể 5.000 con hàu của gia đình ông hiện tại cũng đã quá lứa khiến các dây hàu tự rụng và chết dần, ước tính hao hụt khoảng 40%.
Tương tự, lồng bè của hộ anh Mai Anh Tuấn, ở tiểu khu 3 (khu nuôi trồng thủy sản Cầu Chà Và) cũng đang rơi vào tình cảnh bí đầu ra. “Nghề nuôi cá lồng bè của chúng tôi luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, hết lo nguồn nước ô nhiễm khiến cá bệnh chết thì nay lại lo cá không có đầu ra cũng “chết” cả cá lẫn chủ nuôi vì càng để lâu cá càng lớn và tốn nhiều thức ăn. Nếu hàng ngày mình không chăm sóc tốt thì cá rất dễ bệnh “đi” cả đàn, thua lỗ bạc tỉ chứ chẳng chơi”, anh Tuấn lo lắng.
Theo anh Tuấn, anh còn may mắn khi trước ngày giãn cách, đã kịp tìm nguồn bán bớt được phân nửa số cá chim nuôi trong các lồng. Tuy nhiên, anh cũng chỉ bán được giá 110 ngàn đồng/kg. Hiện, số cá còn lại khoảng 5 tấn cá bớp, cá chim đang phải duy trì nuôi cầm cự từng ngày.
Chẳng riêng người nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và đang gặp khó đầu ra, hiện nay nhiều hộ nuôi thủy sản ở khu vực sông Dinh, Mỏ Nhát… cũng đang lâm vào hoàn cảnh lao đao.
Ông Nguyễn Văn Đẹt (tiểu khu 1) cho biết, gia đình ông có 8 lồng nuôi 4.000 con cá bớp, mú, chim và 40 ngàn hàu giống đã được hơn 10 tháng. Ước tính sản lượng hơn 3,5 tấn cá và 10 tấn hàu đang đến kỳ thu hoạch nhưng không xuất bán được. Trong khi đó, mỗi ngày ông vẫn phải chi 2-3 triệu đồng tiền thức ăn cho cá, nếu tình trạng này kéo dài chắc gia đình ông cũng không đủ sức cầm cự.
Vận động chung tay hỗ trợ tiêu thụ thủy sản tồn đọng
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu (BR-VT), toàn tỉnh hiện còn tồn đọng khoảng hơn 200 tấn cá các loại và gần 1.500 tấn hàu đến kỳ thu hoạch.
Nguyên nhân, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khiến nhiều nhà hàng, quán ăn đang phải đóng cửa. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, một số cửa khẩu tạm đóng cửa khiến tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh càng gặp nhiều khó khăn, giá cả xuống thấp hơn nhiều so thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh BR-VT cũng được giao khảo sát thực tế tại một số lồng bè, cho thấy giá bán lẻ chỉ từ 110-200 ngàn đồng/kg (cá chim, bớp, mú), trong khi giá bán trước dịch khoảng 130-250 ngàn đồng/kg; hàu thương phẩm (hàu Thái Bình Dương) có giá từ 13-15 ngàn đồng/kg, giảm 7-10 ngàn đồng/kg so với trước, hàu cửa sông giảm còn 25-30 ngàn đồng/kg, giá thời điểm trước dịch khoảng 33-40 ngàn đồng/kg.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh BR-VT Trần Văn Mảng cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản của Sở NN-PTNT, Hội đã nhanh chóng triển khai chương trình kêu gọi các hội viên, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ tiêu thụ thủy sản tồn đọng, chung tay cùng bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, giảm bớt thiệt hại trong thời điểm dịch Covid -19.
Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT cho biết: “Để hỗ trợ người nuôi giải phóng thủy sản tồn đọng, chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức thực hiện các biện pháp như kêu gọi các cơ quan, ban ngành cùng chung tay hỗ trợ vận động các đơn vị, người có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi lồng bè giúp người nuôi vượt qua khó khăn do dịch Covid-19”.
Theo ông Cường, trên địa bàn tỉnh hiện có 574 hộ nuôi cá lồng bè, mỗi năm cho sản lượng từ 2.000-3.000 tấn, hàu sản lượng khoảng 15 ngàn tấn/năm, trong đó vùng nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và chiếm số lượng nhiều nhất với 275 cơ sở nuôi.
Đồng thời với việc thực hiện các biện pháp giải phóng thủy sản tồn đọng, người nuôi thủy sản cũng cần lưu ý khi mùa mưa bão năm nay có thể sẽ diễn biến phức tạp, thời tiết, nhiệt độ thay đổi thất thường càng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát tán và lây lan, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản.
Do đó, người nuôi cần chủ động triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ rủi ro và tăng hiệu quả nuôi thủy sản.
Minh Sáng
Nguồn tin: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã