Ngày 27 và 29/5 là những thời điểm rất đáng chú ý đối với ngành hàng hồ tiêu trong năm nay. Cụ thể, vào ngày 27/5, sau gần 1 năm rưỡi (từ 10/1/2019), giá tiêu mới quay trở lại mốc 50.000 đồng/kg.
2 ngày sau đó, giá tiêu ở các vùng trồng trọng điểm liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, trong ngày 29/5, giá tiêu tăng tới 7.000 - 7.500 đồng/kg so với ngày trước đó, để chạm mốc 60.000 đồng/kg tại Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là mức giá mà lần gần nhất có được là từ tận tháng 11/2018.
Sau khi trở lại mốc 60.000 đồng/kg nói trên, những ngày cuối cùng của tháng 5, giá tiêu đã giảm. Đến ngày 2/6, giá tiêu đang giao động từ 52.000 - 55.500 đồng/kg.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), giá tiêu sẽ rất khó có khả năng lại giảm xuống dưới mức 50.000 đồng/kg. Bởi những hồ trồng tiêu cần phải bán tiêu để đầu tư chăm sóc vườn khi mùa mưa đến hay có tiền chi tiêu cho gia đình, thì đã bán rồi.
Những người bán ra giờ đây chủ yếu là các nhà đầu cơ bán tiêu để chốt lời và những người cần tiền để trả vốn vay ngân hàng hoặc vốn vay nóng bên ngoài. Số lượng hạt tiêu bán ra do đó sẽ không nhiều.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp đã ký các hợp đồng giao hàng trong tháng 6, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa đủ lượng tiêu cần thiết, do đó họ đang tiếp tục thu mua.
Về sản xuất, ông Bính cho biết, trong thời gian qua, ông đã đi thăm rất nhiều vùng trồng tiêu và ước tính có trên 50% vườn hiện rất tệ. Nguyên nhân là do trong mấy năm qua, giá tiêu xuống thấp, rất nhiều hộ trồng tiêu đã kiệt sức, không còn khả năng đầu tư chăm sóc vườn tiêu.
Nhiều hộ khác đã nản, thay vì chỉ nghĩ, chỉ nói đến cây tiêu như hồi giá cao, giờ đây đã chuyển hướng quan tâm sang các loại cây khác như bơ, mít, hoặc nói chuyện đi làm công nhân…
Giá tiêu trên 50.000 đồng/kg như hiện tại chưa phải là mức giá tốt, bởi với sản xuất của các nông hộ, giá thành mỗi kg tiêu đã xấp xỉ 50.000 đồng. Còn nếu tính đúng, tính đủ (bao gồm cả giá trị đất và một số chi phí khác) như một doanh nghiệp đã công bố, thì giá thành sản xuất lên tới 70.000 đồng/kg.
Thông tin từ một số chủ trang trại tiêu ở một số địa phương, cho thấy, sản lượng tiêu trên địa bàn trong niên vụ 2019/2020 đã giảm. Có nơi giảm 10%, nơi giảm 20% hoặc hơn.
Với tình trạng như trên của các vườn tiêu, nhiều khả năng trong niên vụ 2020/2021, sản lượng tiêu còn giảm mạnh hơn.
Chính vì vậy, mặc dù trên bình diện chung của thị trường thế giới vào thời điểm này, nguồn cung hạt tiêu hiện vẫn chưa thấp hơn so với nhu cầu, nhưng một số chuyên gia cho rằng, đã bắt đầu hình thành một mặt bằng giá mới cho hạt tiêu.
Thậm chí, có thể nói rằng hồ tiêu đã bắt đầu bước vào một chu kỳ giá mới theo xu hướng tăng lên.
Với kinh nghiệm mấy chục năm theo dõi thị trường hồ tiêu trong và ngoài nước, ông Bính cho biết, những năm 2001 - 2002, giá tiêu xuống rất thấp, khiến người trồng tiêu chán nản.
Giá thấp kéo dài đến năm 2006 mới bắt đầu theo xu hướng tăng lên, có thời điểm giá tăng từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg chỉ trong vòng 3 tháng. Giá tiêu cứ tăng cho đến năm 2015 thì lên tới mức kỷ lục trong lịch sử.
Nhưng từ 206, giá tiêu quay đầu giảm liên tục và đến đầu năm nay đã xuống đáy, khi có thời điểm dưới 35.000 đồng/kg.
Theo quy luật trước đây, khi giá tiêu đã xuống đến đáy, sẽ quay đầu tăng lên, nhất là khi sản lượng tiêu sẽ giảm đáng kể do hàng loạt vườn tiêu không còn được đầu tư, chăm sóc, nhiều nông dân ở Việt Nam và các nước khác bỏ tiêu để chuyển sang cây trồng khác trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục tăng lên.
Thanh Sơn/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã