Sáng 7/5, ghi nhận của phóng viên Dân Việt tại các xã Đú Sáng, Mỵ Hòa, Nam Thượng của huyện Kim Bôi (Hòa Bình), nhiều diện tích bí xanh đã đến thời điểm thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua.
Trái ngược với cảnh mua bán tấp nập thời điểm này năm trước, tại cánh đồng của xã Kim Lập do không có người mua, giá lại quá rẻ nên nhiều diện tích trồng bí của người dân vẫn chưa thể bán được.
Gia đình anh Bùi Văn Lực, thôn Mến Bôi, xã Kim Lập cho biết, vụ này anh trồng 3.000m2 bí xanh, nhưng mới chỉ thu hoạch được 1.000m2, sản lượng khoảng 3 tấn.
Thương lái đến thu mua để chuyển ra Hà Nội nhưng giá bí xanh chỉ được 2.000 - 3.000 đồng/kg đối với bí đẹp, còn bí "xấu", vẽ bùa, quả cong, quả sần chỉ còn 1.500 đồng/kg.
"Nghe thương lái bảo, năm nay bí xanh từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa chuyển ra nhiều, cộng với ảnh hưởng của thời tiết, từ đầu năm mưa nhiều khiến chất lượng bí năm nay không được như kỳ vọng, kéo giá bí xanh năm nay xuống thấp" - anh Lực buồn rầu nói.
Theo anh Lực, nếu như thời điểm này năm ngoái, thương lái thu mua bí xanh với giá dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, nếu giảm xuống 10.000 - 11.000 đồng/kg nông dân vẫn có lãi.
Với giá bí xanh rớt thảm hại như hiện nay thì không đủ để bù vào vốn đã bỏ ra. Như diện tích 3.000m2 của gia đình anh Lực vốn đầu tư gần 50 triệu đồng.
Bà Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng NNPTNT huyện Kim Bôi cho biết, toàn huyện có trên 400ha bí xanh, trồng nhiều tại các xã Đú Sáng, Mỵ Hòa, Nam Thượng, Kim Lập…
Mỗi năm, bí xanh trồng 2 vụ, trong đó, vụ xuân được đánh giá dễ trồng hơn, cây phát triển tốt, không bị bệnh, năng suất thu về cao hơn, dao động từ 200 - 220 tấn/ha, giá bí xanh trái vụ sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, theo bà Ngọc, vụ xuân này, từ đầu năm tại huyện Kim Bôi xuất hiện mưa nhiều. Bên cạnh đó, nguồn cung vượt cầu, nông sản gặp khó trong việc tiêu thụ, giá thành bấp bênh.
Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 ít nhiều tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, tư thương thu mua bí xanh cũng gặp khó khăn do các chuỗi cung ứng cho nhà hàng, khu du lịch bị đứt gãy…
Trồng 3.000m2 bí xanh, chị Trần Thị Doanh, thôn Mến Bôi, xã Kim Lập cũng đang lao đao vì giá bí xanh "tụt dốc" thê thảm. Hiện, còn 2/3 diện tích bí xanh chưa thể cắt bán vì không có người mua.
Chị Doanh cho hay, để trồng bí người nông dân phải bỏ ra các chi phí đầu tư như phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê đất (cứ 1.000m2/1 tạ thóc/năm). Vụ này, chị phải bỏ ra gần 50 triệu đồng. Nhưng niềm vui vào một vụ bí bán được giá đã không hiện hữu.
Gần 11 giờ trưa, cái nắng chang chang rọi xuống cánh đồng, những chòi nhỏ được người dân dựng lên để nghỉ ngơi vắng bóng người.
Đội chiếc đón lá, gương mặt đỏ ửng vì nắng, mồ hôi rơi lã chã, chị Doanh bảo: "Cứ ngỡ anh là thương lái đến mua bí, chạy vội từ nhà ra đây mà mừng thầm".
Bí xanh rẻ đến mức đi trên cánh đồng của thôn Mến Bôi, thi thoảng lại thấy chỗ này, chỗ kia bí xanh chất đống người dân bỏ lại, họ bảo, cũng chẳng buồn mang về cho gia súc ăn.
Tại xã Nam Thượng, dọc tuyến đường nội đồng tại thôn Bôi Cả, bí xanh chất đống, chờ thương lái đến thu mua. Nhưng giá bí xanh sụt giảm nghiêm trọng, loại đẹp chỉ bán được giá 2.000 - 3.000 đồng/kg, 1.000 - 1.500 đồng/kg đối với bí xanh chất lượng kém hơn.
Được biết, trên địa bàn có HTX nông nghiệp Bôi Cả và HTX sản xuất rau an toàn Bãi Xe, nhưng không liên kết tiêu thụ mặt hàng nông sản bí xanh.
Theo thống kê, xã Nam Thượng có trên 30 ha trồng bí xanh tại các xóm Đội 3, Bôi Cả… Hiện, nhiều diện tích đã đến kỳ thu hoạch, tuy nhiên giá thành sụt giảm, tư thương đến thu mua cũng ít hơn so với trước đây.
Được biết, trên địa bàn xã Nam Thượng có HTX nông nghiệp Bôi Cả và HTX sản xuất rau an toàn Bãi Xe, tuy nhiên, bí xanh lại là nông sản không nằm trong sản phẩm liên kết tiêu thụ.
Bà Vũ Thị Ngọc, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Kim Bôi, cho biết, bí xanh là một trong những giống cây được trồng phổ biến tại các xã trên địa bàn huyện cho hiệu quả kinh tế cao. Để phát triển mô hình trồng bí xanh hiệu quả và bền vững, thời gian tới, Phòng NNPTNT huyện sẽ tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức để có thị trường đầu ra ổn định, tránh tình trạng giá thành sụt giảm, bị tư thương chi phối. Đồng thời, phối hợp với các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng, chăm sóc bí xanh tuân thủ các quy trình, đảm bảo chất lượng, năng suất cao, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phươngNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã