Ruộng dưa lê vừa bước vào kỳ thu hoạch của chị Nguyễn Thị Hoa (thôn 8, xã Xuân Hồng, Nghi Xuân)
Khác với cảnh tấp nập mua bán hằng ngày với nhiều xe tải của thương lái ra tận ruộng thu mua dưa như trước đây, cánh đồng dưa ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) nhiều ngày qua trở nên vắng vẻ.
Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn 8, xã Xuân Hồng) cho biết: “Đợt này, gia đình tôi có 5 sào dưa lê vừa vào vụ thu hoạch nhưng dịch bệnh bùng phát khiến thương lái ở Hà Nội hay Nghệ An không đến được. Việc tiêu thụ dưa trở nên vất vả hơn”.
Dưa lê Xuân Hồng rất được ưa chuộng và dễ bán trước thời điểm dịch bệnh
Hiện, mỗi ngày, vợ chồng chị Hoa thu hoạch được khoảng 1-2 tạ dưa. Không nhập được cho thương lái, chị Hoa tìm giải pháp bán cho một số chị em trong làng đưa đến các chợ quanh vùng bán lẻ.
Theo chị Hoa, dù giá dưa giảm từ 20 ngàn đồng/kg xuống còn 8 ngàn đồng/kg nhưng chị vẫn cố gắng duy trì việc thu hoạch cũng như chăm sóc ruộng dưa của mình.
Ngoài ra, để tự “giải cứu” nông sản cho mình, chị Nguyễn Thị Hoa cũng nhờ một số bạn bè giới thiệu và bán hộ trên facebook.
Để tiêu thụ dưa, nông dân Xuân Hồng tìm đến giải pháp bán lẻ ở các chợ quanh vùng với giá rẻ.
Không chỉ người trồng dưa, dịch bệnh phức tạp cũng khiến nông dân “vựa” rau củ, quả ở thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, Can Lộc) gặp khó. Tuy nhiên, các hộ trồng hoa màu ở đây vẫn đang cố gắng tìm cách để tiêu thụ nông sản của mình.
Anh Phan Văn Đức (một chủ hộ làm vườn ở thôn Hồng Lĩnh) chia sẻ: “Thương lái không đến được, chúng tôi tự mang rau quả của mình đến nhập tại các chợ đầu mối ở TX Hồng Lĩnh, thị trấn Đức Thọ, Hương Sơn... Dù vất vả, giá cả cũng thấp hơn nhưng trong tình trạng dịch bệnh phức tạp thế này, tôi nghĩ bán được là may mắn lắm rồi".
Vườn bí xanh đang vào mùa thu hoạch của gia đình anh Phan Văn Đức (thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc)
Để đảm bảo an toàn trong phòng dịch, ngoài các biện pháp 5K, anh Đức cũng thường chọn thời gian đi giao hàng vào lúc sáng sớm và đi nhanh về nhanh, hạn chế tiếp xúc với nhiều người.
Hiện nay, vườn bí xanh 1,5 sào của anh Phan Văn Đức thu 1-2 tạ mỗi ngày. Anh cho biết: “Từ đầu vụ tới nay, tôi đã thu hoạch và xuất bán được 4 tấn bí. Hiện nay, ước tính vẫn còn 1,5 tấn. Nếu như đầu vụ giá bí xanh dao động từ 8 - 10 ngàn đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 5 ngàn đồng/kg, tuy rẻ nhưng tôi cũng phải thu hoạch cho kịp mùa vụ”.
Bí xanh, dưa chuột, mướp đắng... hiện đang vào mùa thu hoạch rộ ở vựa rau thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc)
“Chạy chợ” đưa nông sản của mình tới các địa phương trong tỉnh tiêu thụ cũng là cách nhiều hộ gia đình sản xuất rau, củ, quả ở nhiều địa phương thực hiện trong thời gian này. Bên cạnh đó, nông dân nhiều vùng vẫn tiếp tục gieo trồng và chăm sóc các loại hoa màu mới.
Nông dân xã Xuân Hồng tiếp tục chăm sóc lứa dưa mới
Ông Nguyễn Văn Tân - cán bộ phụ trách nông nghiệp và môi trường xã Xuân Hồng cho biết: “Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc khuyến khích các hộ trồng dưa phân phối nông sản qua tiểu thương bán lẻ ở các chợ địa phương, bán online trên mạng xã hội, cùng kết nối với các đầu mối tiểu thương ngoại tỉnh được xem là giải pháp phù hợp để giúp bà con vừa yên tâm sản xuất, vừa đảm bảo yếu tố phòng dịch an toàn”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã