Các giống lợn bản địa thích nghi tốt với điều kiện kham khổ, thiếu thốn về thức ăn cũng như thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên một số giống lợn quý đang có nguy cơ giảm dần về số lượng trước áp lực cạnh tranh với các giống ngoại nhập và mức độ cận huyết của quần thể lợn bản địa.
Trước yêu cầu bảo tồn giống và phát triển các giống lợn bản địa quý, chất lượng thơm ngon, trong giai đoạn 2018 - 2020, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai các mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa. Các giống lợn này là lợn Lũng Pù, lợn Táp Ná, lợn Hương, lợn Mán, lợn Mường Khương…, đều là những giống lợn đặc sản.
Mô hình triển khai theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao tại 4 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai. Quy mô thực hiện gồm 54 lợn đực, 486 lợn cái.
Đến nay đàn lợn cái hậu bị và lợn đực giống do dự án cấp vẫn được các hộ duy trì đảm bảo số lượng và tỷ lệ sống đạt 100%. Số lợn con xuất chuồng 2.736 con.
Từ năm 2010 đến nay, có ít nhất 13 giống lợn bản địa đã được Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và giao thực hiện các nhiệm vụ khai thác và phát triển, bao gồm lợn Vân Pa, lợn Hạ Lang, lợn Táp Ná, lợn Mường Khương, lợn Mán, lợn Sóc, lợn Hung, lợn Lũng Pù, lợn Xao Va, lợn Hương, lợn Mẹo, lợn cỏ A Lưới và lợn Mường Tè.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay đàn lợn của tỉnh Tuyên Quang có 525.128 con, trong đó đàn lợn đen bản địa chiếm 15% tổng đàn.
Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển lợn bản địa, tỉnh đã quy hoạch 173 vùng chăn nuôi lợn thịt bản địa đặc sản tại 4 huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên.
Trong đó, Na Hang 62 vùng, Lâm Bình 28 vùng, Chiêm Hóa 53 vùng, Hàm Yên 30 vùng. Việc quy hoạch vùng chăn nuôi lợn đặc sản tại các huyện vùng cao được đánh giá phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, tạo điểm nhấn về hàng hóa đặc sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Lý Tiến Thắng - Trưởng thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cho biết, tại địa phương, mô hình nuôi lợn đen bản địa được nhiều hộ lựa chọn bởi phù hợp với điều kiện thời tiết.
Lợn đen chống chịu tốt với thời tiết giá lạnh, dịch bệnh; chất lượng thịt ngon nên khách hàng rất ưa chuộng. Khác với cách nuôi chăn thả trước kia, sau tập huấn, người dân trong thôn đã biết làm chuồng trại quy củ, vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn.
Thôn có 76 hộ thì có đến 70 hộ chăn nuôi lợn đen, hộ nuôi ít thì 2 - 3 con, hộ nhiều từ 10 - 40 con. Giá thịt lợn đen khoảng 100.000 - 150.000 đồng/kg, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo từ chăn nuôi lợn.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, lợn bản địa mặc dù tỷ lệ sinh sản thấp, trọng lượng cơ thể nhỏ nhưng các giống lợn này ít bị bệnh dịch, chịu được chế độ ăn kham khổ; đặc biệt là chất lượng thịt thơm ngon nên có nhiều tiềm năng phát triển.
Tại tỉnh Hà Giang, nhằm bảo tồn nguồn gen quý của lợn bản địa, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 2 cơ sở thực hiện chức năng bảo tồn, lưu giữ nguồn gen giống lợn đen Lũng Pù gồm: Trung tâm Giống cây trồng và Vật nuôi Phố Bảng và HTX Tuấn Dũng.
Bà Phạm Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang cho biết, hàng năm 2 cơ sở trên cung ứng ra ngoài thị trường từ 1.500 - 2.000 con lợn giống đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông, giống nông lâm nghiệp Cao Bằng đã triển khai mô hình "Chăn nuôi lợn Hương, lợn Táp Ná sinh sản" tại xã Hòa Chung, TP.Cao Bằng với 30 con lợn nái và 3 con lợn đực, với 6 hộ nông dân tham gia; tại xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, mô hình thực hiện với quy mô 50 con lợn nái và 5 con lợn đực, 10 hộ nông dân tham gia.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần về con giống và vật tư. Quá trình thực hiện mô hình, các hộ được tập huấn kỹ thuật, có cán bộ chỉ đạo theo dõi sát sao mô hình. Đến nay, đàn lợn nái đã sinh sản, phát triển, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ đồng bào dân tộc tham gia mô hình.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, do những nơi nuôi lợn bản địa chủ yếu ở vùng cao, vùng dân tộc miền núi, địa bàn rộng, trình độ bà con còn lạc hậu nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế. Công tác phòng chống dịch bệnh ít được chú trọng...
Do đó, để phát triển đàn lợn đặc sản theo hướng hàng hoá hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con, các địa phương cần tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và liên kết vùng chăn nuôi; nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống trên cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật…
Theo Thu Hằng
Nuôi những con lợn đen xì, tên nghe "mắc cười" nhưng thịt ngon, nông dân toàn bán giá 100.000 - 150.000 đồng/kg (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã