Ban tổ chức công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản. - Ảnh: Báo Bắc Giang |
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công tác tiêu thụ vải thiều; phát huy tối đa các kênh phân phối truyền thống với các bạn hàng trong và ngoài nước; triển khai kênh phân phối thương mại điện tử; linh hoạt phương pháp giao nhận hàng để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng đã cam kết mua vải với sản lượng cụ thể, điển hình như Tập đoàn Central Retail cam kết mua khoảng 1.000 tấn vải; hệ thống siêu thị Mega Market tiêu thụ khoảng 500 tấn đến 700 tấn… Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp thu mua, vấn đề vận chuyển hiện nay vẫn còn khó khăn vì Bắc Giang vẫn là địa phương có tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các đơn vị thu mua kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm thống nhất các biện pháp phòng dịch để thông quan cho nông sản từ Bắc Giang.
Tại hội nghị trực tuyến, ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. Theo số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản, ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu (2020), vải thiều Việt Nam chiếm khoảng 10% thị phần tại Nhật.
Với phản hồi rất tích cực của năm 2020, các công ty Nhật dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2021 lên gấp nhiều lần. Ông Vũ Hồng Nam cho biết, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu đã tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Nhật Bản. Dự kiến trong năm nay, sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều; mong muốn không chỉ có vải thiều mà các nông sản khác cũng có cách làm tương tự để nâng cao giá trị sản phẩm.
Bộ trưởng nêu rõ, thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, hiện đại, nhờ có công nghệ thông tin mà các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ đã được tiếp cận nhanh chóng nhất với người tiêu dùng. Đồng thời giúp cả hai bên tiết giảm tối đa chi phí, thời gian, nâng cao độ tin cậy cho quá trình giao thương.
“Thương mại điện tử đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc Bắc Giang chủ động áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới trong tiêu thụ vải thiều là hướng đi đúng, cách đi sáng tạo, hiệu quả trong tình hình hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn, sau sự kiện này sẽ có nhiều đối tác, bạn hàng tiếp tục đến với Bắc Giang qua các sàn giao dịch điện tử để thu mua, kinh doanh vải thiều cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng khác. Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp, đồng hành, hỗ trợ tạo “luồng xanh” cho vải thiều lưu thông.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó vải chín sớm khoảng 6.050 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.
Đến nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng.
Để vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, tỉnh đã kiên trì thực hiện các biện pháp như hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người trồng vải thiều kỹ thuật canh tác, chăm sóc; ghi chép truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; thử nghiệm biện pháp che màn để hạn chế sâu bệnh; nhân rộng mô hình hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đỗ Hương/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã