Những ngày qua, rét buốt bao phủ toàn tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt tại các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh nhiệt độ thấp nhất xuống đến 5 – 6 độ C, vùng núi cao của huyện Hương Sơn còn xuống đến 2 độ C.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng ông nghiệp huyện Hương Khê cho hay, tập quán của người dân Hương Khê chủ yếu nuôi chăn thả ngoài đồng và trên rừng nên công tác quản lý, vận động đem trâu, bò về nuôi nhốt huyện, xã, thôn xóm phải làm thường xuyên, liên tục. Năm nay, rét đậm hơn các năm trước nên nguy cơ trâu, bò thả rông trên rừng chết rét cũng cao hơn.
Hiện hầu hết trâu, bò bà con đã đem về nuôi nhốt nhưng một số khác thả rông “trường kỳ” trong rừng ở các xã như Hương Lâm, Hương Liên, Hòa Hải, Phú Gia, Hương Vĩnh, Điền Mỹ, Hà Linh… khiến việc phòng chống rét không thể thực hiện.
Để bảo vệ hơn 45.000 “đầu cơ nghiệp” toàn huyện vượt qua giá rét, sau lũ lụt, từ nguồn lực của Trung ương, tỉnh, Hương Khê trích thêm ngân sách mua giống ngô hỗ trợ bà con sản xuất được 2.117 ha ngô vụ đông, đây là nguồn thức ăn xanh hết sức hữu ích thời điểm này.
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền người dân thay đổi tập quán, kiểm tra, nhắc nhở, phê bình các hộ chăn nuôi thả rông trâu, bò dài ngày trong rừng. Hướng dẫn bà con che chắn chuồng trại, cung cấp thức ăn tại chỗ, không sử dụng sức kéo của trâu, bò những ngày rét dưới 13 độ C…
Tỉnh Hà Tĩnh, Sở NN- PTNT cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương theo dõi, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các giải pháp phòng chống đói rét cho gia súc, trong đó nhấn mạnh các huyện chủ động trích một phần ngân sách hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách khi có trâu, bò bị chết do rét.
Khác với vùng núi, tình cảnh khan hiếm thức ăn ở các huyện vũng lũ Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh đang khiến trâu, bò rớt giá mạnh. Nguyên nhân là do sức mua gia súc về nuôi của người dân giảm.
Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên buồn bã cho hay, gia đình chị vừa phải bán rẻ một con nghé và một con bê vì thiếu nguồn thức ăn, ước thiệt hại gần 10 triệu đồng.
“Trận lụt cuối tháng 10 đã ngập khoảng 15 xe rơm của gia đình tôi. Sau lụt, rơm hỏng hết nên bây giờ phải hỏi mua khắp nơi để về làm thức ăn cho chúng. Nói không ngoa, bây giờ mua rơm còn khó hơn mua… vàng!”, chị Thủy thở dài.
Chị chia sẻ, sau nhiều ngày dò hỏi, chị mới mua được 2 xe rơm của một hộ dân khác trong xã về cho số trâu, bò còn lại ăn. Đây là lần thứ 2 chị phải đi mua rơm, lần trước cách đây vài tuần chị phải bỏ ra một triệu đồng để mua được một xe rơm.
Chung cảnh ngộ, bà Hà, ở xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà cũng đang rao bán thêm 1 con bê nhưng chưa thấy ai đến hỏi mua. Đợt lũ hồi giữa tháng 10/2020, chuồng bò của gia đình bà ngập hơn 2 m, gia đình chỉ kịp đưa bò lên núi tránh trú.
Toàn bộ rơm dự trữ bị ngập hỏng hết. Do không còn rơm nên sau lụt, bà đã phải bán bớt 1 con bê. Hiện gia đình đang duy trì nuôi 3 con nhưng không còn rơm. Tháng trước,l bà phải bỏ 2 triệu đồng mua được 2 xe rơm, nhưng hiện đã gần hết. Hiện gia đình đang tìm mua thêm nhưng chưa có mối nào bán.
Toàn huyện Thạch Hà hiện có hơn 28.000 con trâu, bò, chiếm hơn 11% tổng đàn trâu, bò của tỉnh Hà Tĩnh. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện nay nhiều hộ dân vùng ngập lụt trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua đang gặp khó khăn vì rơm rạ hư hỏng, khan hiếm nguồn thức ăn cho trâu, bò.
Trước tình hình này, huyện đã khuyến cáo người dân chủ động liên hệ thu mua rơm rạ của người dân vùng cao, đồng thời tích cực kiếm nguồn thức ăn tươi, thức ăn xanh để thay thế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã