Sáu tháng nhìn lại
Trong điều kiện hiện nay, xuất/nhập khẩu vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng với nền kinh tế. Các chỉ số thống kê cho thấy, kim ngạch xuất/nhập khẩu, xuất siêu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 như sau.
Nguồn: Tổng cục Thống kê. |
Về xuất/nhập khẩu và xuất siêu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm nay đạt 2 kết quả nổi bật.
Điểm nổi bật thứ nhất là xuất siêu. Xuất siêu cao hơn cùng kỳ năm trước cả về mức tuyệt đối (4,04 triệu USD so với 1,77 triệu USD), cả về tỷ lệ xuất siêu so với kim ngạch xuất khẩu (3,3% so với 1,4%).
Xuất siêu đạt được do nhiều yếu tố. Nhìn tổng quát, kim ngạch xuất khẩu lớn hơn kim ngạch nhập khẩu (121,21 triệu USD so với 117,17 triệu USD); so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu (giảm 1,1%, hay giảm 1,35 tỷ USD, so với giảm 3% hay giảm 3,62 tỷ USD).
Theo khu vực, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) tiếp tục xuất siêu lớn cả về mức kim ngạch tuyệt đối (14208 triệu USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (17,8%)- chẳng những bù đắp được cho phần nhập siêu của khu vực trong nước, mà còn giúp cho cả nước xuất siêu.
Theo nhóm/mặt hàng, trong 35 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu được thống kê chi tiết so với cùng kỳ năm trước có 13 mặt hàng tăng, trong đó một số mặt hàng có mức tăng lớn (trên 100 triệu USD), lớn nhất là Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, tiếp đến là Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận, Đá quý, kim loại quý và sản phẩm, Gạo, Sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, Dây điện và dây cáp điện, Gỗ và sản phẩm gỗ, Giấy và sản phẩm từ giấy.
Mới qua một nửa thời gian đã có 22 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD (lớn nhất là Điện thoại và linh kiện, tiếp đến là Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Dệt may, Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, Giày dép).
Trong khi đó, trong 36 mặt hàng nhập khẩu có thống kê chi tiết so với cùng kỳ năm trước, có 24 mặt hàng bị giảm, trong đó giảm sâu (trên 100 triệu USD) có 17, đặc biệt có 4 mặt hàng giảm trên 500 triệu USD (Xăng dầu, Vải, Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, Sắt thép, Ô tô nguyên chiếc).
Theo địa bàn, trong 5 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước có 26 tăng, trong đó tăng khá (trên 100 triệu USD) có 7 (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước). Mới qua 5 tháng đã có 19 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 địa bàn đạt trên 5 tỷ USD (TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Nội).
Theo thị trường, trong 85 thị trường chủ yếu có thống kê chi tiết trong 5 tháng xuất khẩu tăng có 25, mức tăng khá (trên 100 triệu USD) có 5 (Trung Quốc, Mỹ, Hồng Công, Đài Loan, Mehico). Mới qua 5 tháng, đã có 25 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 thị trường đạt trên 3 tỷ USD (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Công). Trong 85 thị trường chủ yếu trong 5 tháng, Việt Nam xuất siêu 53, trong đó xuất siêu trên 1 tỷ USD có 9 (Mỹ, Hồng Công, Hà Lan, Anh, Đức, Campuchia, Canada, Áo, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất).
Điểm nổi bật thứ hai là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước khá cao, lên đến 11,7%. Nhờ đó, tỷ trọng của khu vực này trong tổng số 6 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ (34,1% so với 30,2%). Cũng nhờ vậy mà khu vực này tuy vẫn còn nhập siêu lớn, nhưng so với cùng kỳ năm trước đã giảm cả về mức tuyệt đối (10170 triệu USD so với 14453 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (24,5% so với 39,0%).
Việc xuất siêu đã có tác động tích cực về nhiều mặt. Trực tiếp nhất là góp phần cải thiện cán cân thanh toán, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá VND/USD (sau 6 tháng tăng 0,47%, bình quân 6 tháng tăng 0,12% so với cùng kỳ).
Có một tác động không phải nhiều người nhận ra là xuất siêu có tác động đến tăng trưởng kinh tế (kích cầu); trong điều kiện tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn yếu so với sản xuất thì việc tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sẽ có tác động “kích cung”- tức kích sản xuất trong nước. Nếu thế giới thương mại giảm sâu, đã đưa đến dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm sâu, thì ở Việt Nam vẫn xuất siêu, nên tăng trưởng kinh tế chỉ chậm lại chứ không mang dấu âm.
Bên cạnh những kết quả tích cực thì về xuất/nhập khẩu 6 tháng cũng có những hạn chế, bất cập.
Nhìn tới cả năm
Xuất khẩu hàng hóa cả năm so với năm trước có thể sẽ không bị giảm như 6 tháng đầu năm, do Hiệp định Thương mại tự do EVFTA sẽ được thực hiện trong những tháng cuối năm, do Việt Nam sớm đi vào “mặt trận” phục hồi kinh tế và nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam có thể kiểm soát dịch COVID-19 tốt hơn để mở rộng cửa hơn,…
Xuất khẩu có thể tăng, nhưng khó tăng như mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng 4%). Dự báo trên xuất phát từ một số căn cứ. Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 6 tháng giảm sâu. Nhập khẩu của cả nước bị giảm trong 6 tháng đầu năm, trong đó có một số mặt hàng là nguyên nhiên vật liệu có liên quan đến sản xuất hàng xuất khẩu bị giảm sâu hơn.
Một số nước đang còn dịch hoặc dịch bùng phát trở lại thì xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này gặp khó khăn (mà 6 tháng đã bị giảm như Ấn Độ, Anh, Indonesia, Italia, Malaysia, Nga, Pháp, Philippines, Singapore, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ). Người viết dự đoán tăng 1,5%; tức là đạt 268,4 tỷ USD.
Nhập khẩu 6 tháng tới có thể không còn bị giảm sâu như 6 tháng qua và tính chung cả năm có thể tăng nhẹ. Ngoài yếu tố dịch COVID-19 ở các nước, kim ngạch nhập khẩu của cả nước còn có thể giá cả hàng nhập sẽ tăng do nhiều nước phá giá đồng nội tệ, hạ lãi suất cơ bản, đưa ra các gói kích cầu, kích thích kinh tế khủng lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD,… Nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm sâu hơn khu vực trong nước. Dự đoán kim ngạch nhập khẩu cả năm 2020 đạt 254,7 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2019.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm 2020 có thể sẽ không tăng nhiều so với năm trước. Xuất siêu năm 2020 có thể đạt được khi dự đoán xuất khẩu có quy mô lớn hơn nhập khẩu và xuất khẩu lại có tốc độ tăng cao hơn so với nhập khẩu.
Minh Ngọc/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã