Học tập đạo đức HCM

Nữ vận động viên bại liệt đi được sau 14 năm

Thứ ba - 14/02/2012 20:53
Vốn bị bại liệt từ nhỏ và là một vận động viên đua xe đạp bằng tay cực kỳ nổi tiếng, Monique Van der Vorst đã khiến giới y học và làng thể thao thế giới bị sốc khi có thể tự đứng lên và đi lại được sau 14 năm ngồi xe lăn.
Cô bé liệt nửa người 3 lần vô địch thế giới môn đua xe đạp bằng tay

 

Monique Van der Vorst sinh ngày 20/11/1984 hiện đang sinh sống cùng gia đình ở Nieuwerkerk aan den Ijssel, một thành phố phía Tây của Hà Lan.

Đam mê thể thao nên ngay từ khi còn bé, Van der Vorst đã tích cực tham gia rất nhiều câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa, trong đó có bóng đá, tennis và khúc côn cầu. Tuy nhiên, vào năm 13 tuổi, cô bé đã bị tai nạn trong khi đang đi xe đạp khiến phải tiến hành phẫu thuật mắt cá chân.

Không may cho Monique, cuộc phẫu thuật này đã chạm vào dây thần kinh gây ra biến chứng, khiến chân trái của cô không cử động được. Hậu quả là bên phía chân trái của cô đã bị liệt từ phần hông trở xuống.

Khi biết được thông tin đó, cô gái trẻ thật sự bị sốc. Cô không cười, không nói và càng không muốn gặp bất cứ ai. Còn gì đau khổ hơn khi không còn được cùng bạn bè chạy nhảy, vui chơi và tham gia những môn thể thao yêu thích nữa.

Monique Van der Vorst trên đường đua và khi đã khỏi bệnh một cách kỳ diệu
Monique Van der Vorst trên đường đua và khi đã khỏi bệnh một cách kỳ diệu

“Cảm giác đó thật khó chịu! Tôi đã khóc rất nhiều khi nhìn thấy những người bạn của mình đều có thể đứng dậy, đi lại bằng chính đôi chân của họ. Còn tôi, kể từ cuộc phẫu thuật đó, tôi phải kết bạn với một chiếc xe lăn”, Van der Vorst nhớ lại khoảng thời gian khủng hoảng ban đầu khi cô gặp nạn.

Nhiều tháng trôi qua, mọi thứ cũng dần quay trở lại quỹ đạo vốn có của nó. Nhờ có sự động viên của bố mẹ và người anh trai, Monique bé nhỏ đã hiểu ra một điều, cuộc sống vẫn tiếp diễn và việc cô bé cứ suốt ngày ủ rũ chẳng những không thế nào giúp cho phía bên chân trái của cô trở lại như xưa mà còn khiến cho những người yêu quý cô đau buồn hơn.

Monique quyết định sống lạc quan và vui vẻ trở lại. Cô bé lại đến trường và tham gia các buổi tiệc cùng bạn bè. Tuy nhiên, niềm đam mê thể thao trong cô chưa bao giờ tắt.

Không thể chơi khúc côn cầu và tennis, cô dành thời gian tìm hiểu các môn thể thao dành cho người khuyết tật và thực sự ấn tượng với bộ môn đua xe đạp bằng tay.

Monique đã sắm một chiếc xe đạp 3 bánh. Đầu tiên, cô bé sử dụng nó làm phương tiện để đi tới trường. Ngay từ những giây phút đầu tiên ngồi lên và cố gắng điều khiển chiếc xe 3 bánh nhờ sức mạnh của đôi bàn tay, Monique đã tỏ ra vô cùng thích thú.

“Chiếc xe đã giúp tôi lấy lại được cảm giác tự do mà trước đây khi ngồi trên xe lăn tôi không có được”, cô chia sẻ.

Vậy là từ đó, vào những ngày cuối tuần, trong khi lũ bạn cùng tuổi rủ nhau tụ tập chè chén thì Monique bé nhỏ lại trốn ra những đoạn đường vắng vẻ để tập đi xe đạp bằng tay.

“Khi ngồi trên xe, tôi có thể quên hết mọi điều phiền muộn và cảm thấy rằng cuộc đời này vẫn đáng sống”, cô nói. “Tôi luôn rất thích chơi thể thao và chiếc xe đạp này đã cho tôi thấy, tôi vẫn có cơ hội để thỏa mãn niềm đam mê hoạt động của mình”.

2 năm trôi qua thật nhanh, nhờ luyện tập chăm chỉ, vào năm 2000, khi mới 15 tuổi, Monique đã chính thức tham gia cuộc đua xe đạp bằng tay dành cho người khuyết tật đầu tiên và không thể tin nổi, cô bé giành được giải quán quân.

Như được tiếp thêm nguồn sức mạnh to lớn, sau chiến thắng đó, Monique lại lao vào tập luyện không ngừng nghỉ.

Năm 2001, cô bé tham gia và soán ngôi vô địch cuộc đua xe đạp bằng tay dành cho người khuyết tật trên toàn châu Âu (EHC). Một năm sau, niềm vui càng nhân lên gấp bội khi lần đầu tiên cô đến Đức thi và đoạt chức Vô địch thế giới.

“Khi tôi đứng trên bục vinh quang nghe bài quốc ca và nhận cúp vô địch, lửa sống trong tôi hừng hực cháy. Tôi nhận ra rằng, cuộc đời tôi đã bước sang một trang mới và tôi biết mục đích sống của mình là gì.

Ngay từ giây phút đó, tôi đã tự hứa với lòng mình sẽ luyện tập hăng say hơn nữa để có thể đạt được những thành tích cao hơn”, Monique xúc động nhớ lại.

Từ sau đó, cái tên Monique Van der Vorst đã nổi lên như một hiện tượng trong làng đua xe đạp bằng tay thế giới với một loạt những thành tích đáng nể như 6 lần đoạt chức vô địch châu Âu, 3 lần vô địch thế giới cùng rất nhiều các giải thưởng từ những cuộc đua trong nước khác.

Tuy nhiên, một lần nữa, vận đen lại đeo bám cô. Tháng 5/2008, trong một cuộc luyện tập cùng một đồng đội, Monique đã bị chiếc ôtô do một người lớn tuổi điều khiển đụng phải. Vụ tai nạn đó khiến tủy sống của cô bị tổn thương nghiêm trọng.

“Tôi không thể gượng dậy nổi, thậm chí tôi còn phải học lại cách ăn uống”, Van der Vorst cho biết. “Thời gian đó, tôi thực sự rất tuyệt vọng và luôn vật vã với những câu hỏi không có lời giải đáp như:

“Tại sao may mắn không mỉm cười với tôi?” hay: “Tại sao tôi cứ luôn vấp phải những vụ tai nạn tồi tệ như thế?”,… Nhưng lâu dần, tôi cũng ngộ ra được một điều: Nếu suốt ngày chỉ biết ngồi một chỗ than thân trách phận thì sẽ chẳng bao giờ làm được điều gì và tất nhiên, sẽ chẳng có được thành công nào cả”.

Vì vậy, liên tục trong 6 tháng sau đó, Monique luôn tuân thủ theo mọi chu trình điều trị của bác sĩ, tận dụng thời gian và dồn hết năng lượng để hồi phục sức khỏe. “Tôi thực sự không để tâm tới những cảm giác đau đớn và chỉ hướng tới một mục đích duy nhất – nhanh chóng hồi phục trong một thời gian ngắn”, cô nói.

Và không chỉ làm được điều đó, dù không được chuẩn bị kỹ càng nhưng tại Thế vận hội dành cho những người khuyết tật diễn ra tại Bắc Kinh cuối năm đó, Monique vẫn giành được hai Huy chương bạc. Chưa hết, cô còn đến Mỹ, Ý tham gia một vài cuộc đua và gặt hái được những thành tích mới.

Đến tháng 10/2009, sau khi đoạt cúp vô địch thế giới lần thứ 3, Monique đã được bầu chọn là vận động viên khuyết tật của năm.

Vụ tai nạn may mắn đã giúp Monique chữa lành đôi chân tàn tật

Dường như chưa bao giờ Monique Van der Vorst chịu bằng lòng với những chiến thắng mình có được, cô luôn nỗ lực không ngừng để vươn tới một cái đích xa hơn.

Đầu năm 2010, bằng niềm đam mê và lòng nhiệt huyết, cô gái trẻ tuổi này đã lên kế hoạch luyện tập cật lực cho Thế vận hội Paralympics 2012 ở London. Nhưng một lần nữa, xui xẻo lại không buông tha cô.

Trong quá trình tập, Monique lại gặp tai nạn với một tay đua khác và phải nằm điều trị một thời gian dài trong bệnh viện.

“Thế là hết! Tôi đã nghĩ như vậy khi nằm trong bệnh viện và nhìn thời gian trôi qua một cách chậm chạp. Toàn thân tôi đau nhức. Tôi rất sợ mình sẽ không còn đủ cả sức để ngồi xe lăn nữa. Tại sao luôn luôn là tôi? Tôi đã cố gắng hết sức để vươn lên, tại sao đen đủi vẫn luôn bám lấy tôi? Nghĩ đến những điều này, tôi đã khóc rất nhiều”.

Tuy nhiên, không ai kể cả chính bản thân Monique có thể ngờ được, đó lại là một vụ tai nạn may mắn. Sau vài ngày nằm viện, Monique đột nhiên cảm thấy ngứa râm ran từ chân này sang chân kia. Đó là một điều kỳ diệu, bởi trong 14 năm ngồi xe lăn, chưa một giây phút nào đôi chân của cô có cảm giác như vậy.

Ngay lập tức, Van der Vorst đã gọi y tá nhưng cô này cho biết phải đợi đến sáng mai, các bác sĩ mới có câu trả lời. “Hồi hộp và tràn đầy hi vọng là cảm giác duy nhất mà tôi có lúc đó”, Monique cho biết.

Cả đêm hôm đó, cô không tài nào chợp mắt được. Cô liên tục nhúc nhích đôi chân vì sợ rằng nếu mình ngủ quên thì sẽ không bao giờ có được cảm giác này nữa.

Sáng hôm sau, sau khi đã kiểm tra cẩn thận, tất cả các bác sĩ tại bệnh viện đã vô cùng ngạc nhiên và không ai có thể lý giải được tình trạng bệnh tật của Monique, nhưng có một điều họ biết chắc chắn, đó là các dây thần kinh trong đôi chân của nữ vận động viên này đã hoạt động trở lại.

Hàng tháng trời sau đó, Monique đã tiến hành rất nhiều phương pháp vật lý trị liệu giúp phục hồi hệ thần kinh. Cô bắt đầu tập đi thật hăng say và dường như không biết mệt mỏi. Đầu tiên, cô chỉ có thể lê từng bước chân nặng nề trên sàn nhà và cố gắng đứng thật vững.

“Tôi thấy như mình là một đứa trẻ  đang học đi”, Monique nhớ lại. Khoảng 4 tháng sau vụ tai nạn đó, cô gái đầy nghị lực này đã có thể chập chững bước những bước đi đầu tiên trên chính đôi chân của mình.

“Quá vui mừng, tôi đã gọi điện bảo bố mẹ và anh trai vào bệnh viện để tạo cho họ một bất ngờ lớn. Họ đến ngay sau khi tôi gọi một lúc và cả ba người đều bật khóc khi nhìn thầy tôi tự đứng lên để chào họ”.

“Tôi mừng đến phát khóc. Gia đình chúng tôi đã chờ đợi giây phút này trong bao nhiêu năm trời nhưng rồi lại chìm trong nỗi tuyệt vọng bởi rất nhiều bác sĩ đã khẳng định con bé sẽ không thể bước đi được nữa” - anh trai cô - Joost nói.

Còn Monique thì chia sẻ: “Tôi vẫn không thể tin được là tôi đã có thể đi lại được sau 14 năm ngồi trên xe lăn. Tôi cảm thấy thế giới thay đổi rất nhiều và mình như một người mới hoàn toàn khác. Thật tuyệt khi tôi đã có thể bước đến bên cạnh một người nào đó và nhìn thẳng vào mắt họ một cách đầy tự tin”.

Năm 2011, lúc này Monique đã hồi phục khá toàn diện. Từ giã chiếc xe 3 bánh, cô quyết định làm bạn với chiếc xe đạp hai bánh và đã thực hiện một chuyến đi xuyên từ Hà Lan sang Ý với tổng quãng đường đi dài 3.086km đầy táo bạo.

Chuyến đi 20 ngày này diễn ra vô cùng suôn sẻ và Monique đã nhận ra rằng, chính niềm yêu thích thể thao đã làm sống lại thân thể bệnh tật và tâm hồn cô.

Vài tháng sau đó, cô đã ký hợp đồng với đội đua xe đạp nữ chuyên nghiệp Rabobank của Hà Lan và đang nỗ lực luyện tập chăm chỉ để tham gia các cuộc đua Olympic và vô địch thế giới.

“Tôi không kỳ vọng nhiều vào giải Olympics 2012 ở London nhưng mục tiêu của tôi là sẽ “làm nên chuyện” tại Thế vận hội Olympics vào năm 2016”, cô chia sẻ.

Hiện nay, Monique đang có mặt trong danh sách 11 nữ vận động viên đua xe đạp trên toàn thế giới. Dù gặt hái được khá nhiều huân huy chương trong sự nghiệp đua xe song không thể phủ nhận, một trong những thành tựu lớn nhất của Monique là cô đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật xung quanh mình.

Monique đã chứng minh được một điều rằng, chúng ta phải nhìn khả năng của chính mình chứ không nên chỉ để tâm đến những khiếm khuyết trên cơ thể. Làm được điều đó, chúng ta mới có thể lạc quan và có được nhiều thành công trong cuộc sống.

“Đôi khi phải ngã xuống và tập đứng dậy để biết mình đang ở đâu”, cô tự tin tuyên bố và cười lớn.

  • Nhật Anh
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập315
  • Hôm nay45,582
  • Tháng hiện tại750,695
  • Tổng lượt truy cập90,814,088
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây