Trên đường về xứ Thanh, chúng tôi được đồng nghiệp giới thiệu: Tĩnh Gia là huyện phía Nam của tỉnh Thanh Hoá, với địa hình bán sơn địa, bao gồm các hang động hoang sơ, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đường bờ biển dài, dải cát mịn, cùng quần thể các hòn đảo, cửa lạch, cảng biển lớn đã tạo cho Tĩnh Gia tiềm năng và lợi thế đặc biệt để phát triển du lịch. Ðến với Tĩnh Gia, du khách không quên ghé thăm những địa danh nổi tiếng như: biển Hải Hòa, động Trường Lâm, Đền thờ Quang Trung, Chùa Đót Tiên, Nhà thờ Ba Làng...Tất cả tạo thành quần thể du lịch vô cùng độc đáo, đó là những di sản mà đất và người xứ Thanh…
Hàng kè soi bóng trên sông xứ Thanh
Vừa đặt chân đến xã Phú Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), chúng tôi bị líu chân bởi vẻ đẹp hoàng sơ mê hồn đền từ những đồi cây kè thấp thoáng trên cánh đồng lúa mênh mông, kè soi bóng bên dòng sông quê thơ mộng. Những cây kè trăm tuổi trải qua bao nhiêu giông tố, nắng mưa thân vẫn vươn thẳng đứng hiên ngang giữa đất trời như một chứng nhân của lịch sử. Nó chứng kiến biết bao thăng trầm của đất và người nơi đây.
Cây kè mọc nhiều ở một số vùng nông thôn Thanh Hóa như huyện Triệu Sơn, Như Xuân, Nông Cống, Tĩnh Gia, Quảng Xương. Kè là loại cây có sức sống quật cường như con người xứ Thanh. Nó sống được ở nơi đất tốt, đất xấu, đất khô cằn, nơi ngập nước…Ở Tĩnh Gia, cây kè được trồng ở nhiều nơi như sau nhà, dọc đường đi, bờ đê, bờ ruộng, nhiều nhất là ở các gò đất giữa cánh đồng lúa.
Hình dáng cây kè giống cây dừa, thốt nốt, cọ. Lá kè thường được dùng để lợp nhà. Nhà lợp bằng lá kè mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông lại rất bền…Cũng bởi công dụng này mà cây kè đã gắn bó mật thiết với đời sống của cư dân địa phương. Tuổi thơ của bao người nơi đây đã gắn bó thân thuộc với bao kỷ niệm đẹp không thể nào quên về cây kè.
Anh bạn đồng nghiệp thân thiết của chúng tôi, một người con của quê hương Tĩnh Gia đã lâu chưa có dịp được thả hồn phiêu lãng trải lòng bên dòng sông quê nơi những hàng kè soi bóng. Anh say sưa kể lại cho chúng tôi về những ký ức tuổi thơ bên hàng kè mọc trên những cánh đồng, dọc đường đi, bờ ruộng, sau nhà…Anh tự hào về cây kè một loại cây đặc trưng của vùng quê xứ Thanh. Chắc hẳn, những người con xứ Thanh xa quê như anh, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh cây kè đều rất nhớ về quê hương với bao kỷ niệm gần gũi thân thương gợi về:
Hàng kè soi bóng trên sông
Lá xanh thân thẳng, mềm lòng nhớ quê
Tuổi thơ kí ức dội về
Sông quê tắm mát, triền đê thả diều.
Quá trình xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh đã và đang tạo ra sự thay đổi diện mạo của mỗi làng quê Việt. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng gìn giữ được những nét đẹp truyền thống đặc trưng của quê hương. Đã bao người phải trăn trở “Nông thôn mới không giữ được hồn quê Việt”. Bởi rồi đây những cây kè liệu chỉ còn trong ký ức như những cây đa, giếng nước, sân đình, bụi tre, hàng rào râm bụt…ở bao làng quê khác của Việt Nam?
Quyết Tuấn/khoe.365.net.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã