Thực hiện Nghị quyết đó, ngày 28-10-2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ”, trong đó nêu mục tiêu: “Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn tăng lên 2,5 lần so với hiện nay”(2). Một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động của Chính phủ là: “Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn. Tập trung xây dựng kế hoạch và giải pháp đào tạo cho bộ phận con em nông dân đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ và chuyển nghề; bộ phận nông dân còn tiếp tục sản xuất nông nghiệp được đào tạo về kiến thức và kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở”(3).
Để cụ thể hóa Chương trình hành động, ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Quyết định này đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn”(4).
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, trong năm qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai một cách đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án được ban hành kịp thời, giúp địa phương và cơ sở thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chủ động xây dựng và ban hành chương trình thực hiện của địa phương, triển khai thực hiện Đề án sâu sát, cụ thể đến tận cơ sở. Nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động đã được hình thành. Sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án đã đạt được kết quả tích cực. Hầu hết cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong cả nước đã nhận thức được tầm quan trọng việc dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, kết quả chỉ mới là bước đầu, thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Đề án đã cho thấy việc dạy nghề cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập từ chính sách đến tổ chức thực hiện ở cơ sở:
- Dạy nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương, trong chỉ đạo chưa thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách về Đề án xây dựng nông thôn mới. Chưa xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô cấp xã như mục tiêu của Đề án đặt ra. Do vậy, qua điều tra nhu cầu đào tạo việc lựa chọn nghề để dạy cho lao động nông thôn ở các địa phương, cơ sở dạy nghề chưa sát hợp, nhất là nghề/kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
- Nhiều cơ sở dạy nghề thiếu giáo viên (chủ yếu là đi thuê), giáo trình và chương trình dạy nghề chưa được quản lý và phân bổ khoa học, thống nhất; thời gian dạy nghề chưa sát (ví dụ: có nghề dạy trong ba tháng nhưng giáo viên cho rằng chỉ cần một tháng; có nghề người học đề nghị chỉ cần một tuần thay vì một tháng). Cũng có những nghề chỉ cần giao cho đơn vị khuyến nông ngành nông nghiệp giải quyết thì hiệu quả hơn nhiều là tập trung đào tạo ở các cơ sở dạy nghề.
- Sự phối hợp giữa các sở, ngành (lao động - thương binh và xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, nội vụ…) chưa sâu sát, thiếu cụ thể. Ở nhiều địa phương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa thực sự vào cuộc, trong khi năng lực dạy nghề của ngành có lợi thế là mạng lưới khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở khá tốt với đội ngũ cán bộ khuyến nông hàng chục ngàn người (36.159 cán bộ, trong đó gần 15.300 người có trình độ từ cao đẳng trở lên) nhưng chưa được huy động.
- Dạy nghề phi nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào khả năng sản xuất của làng nghề truyền thống và khả năng tiêu thụ hàng tiểu thủ công nghiệp của doanh nghiệp; số lao động sau học nghề có việc làm ổn định không cao do thiếu quy hoạch cả về quy mô sản xuất và quy mô tổ chức vùng nguyên liệu (như nghề đan mây, tre, cói…), do thiếu vốn. Cá biệt, có địa phương sau dạy nghề đã đề nghị Nhà nước đưa nhà máy về bố trí việc làm cho học viên sau khóa học nhưng không thực hiện được. Việc xây dựng chính sách và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn chưa gắn kết được với doanh nghiệp theo nguyên tắc dạy nghề theo nhu cầu thị trường hay dạy nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động.
- Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại nhiều địa phương còn thiên về chạy theo số lượng người học để giải ngân, thiếu sự tính toán trên cơ sở khoa học và kinh tế để xác định nghề cần đào tạo cho người dân; chưa thấy được việc giải quyết lao động dư thừa trong nông thôn với xác định ngành nghề để chuyển đổi cơ cấu lao động nhằm phát triển kinh tế là bài toán khó, lâu dài mà Đảng, Nhà nước đang tâp trung giải quyết.
- Xuất hiện những sản phẩm từ kết quả học nghề không tiêu thụ được - vì chưa giải quyết được vấn đề mấu chốt là tổ chức thị trường. Bài học: “được mùa rớt giá” vẫn đang nóng lên trong khu vực sản xuất nông nghiệp và sản phẩm làng nghề ở nông thôn hiện nay đang cần được giải quyết.
Với mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn bảo đảm nâng cao kỹ năng để người nông dân sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập, có cơ hội tìm được số việc làm ổn định từ 70% - 80%; từng bước tổ chức lại sản xuất tiến tới sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn nhằm xây dựng nông thôn mới phải xác định quyết tâm cao cùng với thái độ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả từ một số giải pháp sau đây:
Một là, các địa phương tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp với quy mô cấp xã theo Thông tư số 07/2010/TT-BNNPTNT, ngày 8-2-2010, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới để làm cơ sở xác định ngành nghề cần đào tạo cho người nông dân. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời rà soát để bổ sung Đề án, Chương trình của tỉnh, huyện và xã cho phù hợp.
Hai là, thực hiện tốt Quyết định của Chính phủ: việc dạy nghề cho lao động sản xuất nông nghiệp do ngành nông nghiệp đảm nhiệm; dạy nghề cho lao động phi nông nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện.
Ba là, dạy nghề cho lao động nông thôn phải xác định mục tiêu để nông dân làm kinh tế, tìm cơ hội có việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo, tránh việc tổ chức học nghề chỉ mang tính phong trào, hình thức gây lãng phí. Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các bộ liên quan phải xây dựng nội dung hướng dẫn cụ thể, chi tiết về điều kiện tổ chức dạy nghề cho ba chủ thể cho cơ sở được tổ chức học nghề; cho cơ sở dạy nghề và điều kiện được học nghề của cá nhân, gia đình học viên. Đặc biệt, phải xây dựng tiêu chí thực hiện và quản lý Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn ngay trong năm 2011 theo yêu cầu về lộ trình thực hiện Đề án của Chính phủ.
Bốn là, dạy nghề cho lao động nông thôn, vai trò quyết định là cấp ủy đảng chính quyền cấp tỉnh. Cần nhập hai Ban chỉ đạo: theo Quyết định 491/QĐ-TTg và Quyết định 1956/QĐ-TTg để chỉ đạo đồng bộ, thống nhất. Vai trò quản lý nhà nước của bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp Trung ương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tổng kết và rút kinh nghiệm thường xuyên theo chương trình, kế hoạch cụ thể của ngành, liên ngành.
Năm là, công tác thông tin, tuyên truyền cần tiếp tục được cải tiến và mở rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổng kết và biểu dương các điển hình tiên tiến trong tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn và các mô hình điển hình tốt; đồng thời nêu lên những hạn chế yếu kém để rút kinh nghiệm, sửa chữa khắc phục. Chú trọng hệ thống đài truyền hình hai cấp Trung ương và địa phương xây dựng chuyên mục thường xuyên để cập nhật quá trình thực hiện Đề án.
Dạy nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn, thời gian triển khai mới qua hơn một năm, vì vậy những hạn chế và sai lệch là khó tránh khỏi. Với phương châm vừa làm vừa điều chỉnh theo nguyên tắc: lấy hiệu quả, kết quả làm thước đo đánh giá, phân định trách nhiệm ngành, cấp, tổ chức cá nhân rõ ràng, chắc rằng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng và Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm đưa Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp - nông thôn - nông dân sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống xã hội./.
-----------------------------------------------------
(1) Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn
(2), (3) Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
(4) Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, “Quyết định Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã