KHÔNG VỘI SỬA TIÊU CHÍ
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong năm 2011, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Ban chuyên trách BCĐ TƯ Chương trình MTQG về Xây dựng NTM Nguyễn Đăng Khoa cho biết, năm 2011 bộ máy nhân sự BCĐ Chương trình MTQG về Xây dựng NTM của TƯ và các địa phương cơ bản đã kiện toàn và đi vào hoạt động có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, thi đua khen thưởng, lập quy hoạch… được Chính phủ, Bộ NN-PTNT quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt đã đạt được kết quả vô cùng to lớn.
Tuy nhiên, sau một năm triển khai nhiều địa phương có ý kiến phản hồi một số tiêu chí NTM chưa phù hợp với thực tiễn. Phổ biến ở tiêu chí thu nhập và cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Một số tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi đề nghị sửa đổi hoặc quy định rõ hơn về tiêu chí thuỷ lợi, chợ nông thôn, nhà ở dân cư và HTX hoạt động có hiệu quả.
Cụ thể, Sở NN-PTNT Tuyên Quang đề nghị thay đổi tiêu chí cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Được biết, qua rà soát đánh giá thực trạng nông thôn của 129 xã tại tỉnh Tuyên Quang cho thấy, cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp là trên 80%. Xác định lợi thế cũng như mục tiêu để phát triển kinh tế xã hội của đa số các xã này vẫn là kinh tế nông lâm nghiệp; một số xã không có khả năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng như du lịch, vì vậy chuyển dịch cơ cấu lao động là rất khó.
Mặt khác, ở những xã có điều kiện phát triển SX nông nghiệp hàng hoá mang lại thu nhập cao hơn các ngành khác không nhất thiết phải chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp. Tiêu chí này, nếu tính trong cả tỉnh sẽ phù hợp, nhưng tính trên địa bàn một xã không hợp lý. Vì vậy, Tuyên Quang đề nghị xem xét bỏ tiêu chí này.
Với tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, địa phương đang gặp khó khăn về huy động nguồn lực. Vì theo ông, để thực hiện đúng tỉ lệ cơ cấu vốn là 4:3:2:1 hết sức khó khăn do các DN hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn ít, năng lực lại yếu nên việc huy động không hề đơn giản. Mặt khác, vốn đối ứng của địa phương với các hạng mục cần đối ứng 50% cũng khó bởi nguồn thu chủ yếu của các xã là khai thác quỹ đất nên phải huy động đóng góp của nhân dân rất lớn, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị có sự cân đối nguồn lực này phù hợp hơn.
Cùng với hai địa phương trên, các tỉnh Lâm Đồng, Trà Vinh, Quảng Nam, Quảng Trị… cũng đưa ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM của mình và đề nghị sửa đổi một số tiêu chí cho sát với thực tế của từng vùng.
Trước áp lực của nhiều địa phương về việc thay đổi tiêu chí, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đề nghị các tỉnh cần bình tĩnh lại không nên nôn nóng trong việc sửa đổi tiêu chí vì dễ bị sa đà vào thành tích. Bởi xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người nông dân càng cao càng tốt. Mặt khác, phải xác định đây là cuộc vận động dài hơi có thi đua đến năm 2020 chứ không phải một vài năm tới. Và sau năm 2020, chúng ta vẫn tiếp tục xây dựng nông thôn chứ không phải làm đến đó rồi dừng lại.
"CHƯƠNG TRÌNH CỦA NHÂN DÂN"
Với kết quả, bài học kinh nghiệm có được trong năm 2011, BCĐ Chương trình MTQG về Xây dựng NTM phấn đấu, năm 2012 trên 90% số xã hoàn thành quy hoạch chung được phê duyệt, 50% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức xây dựng NTM. Đẩy mạnh một bước công tác phát triển SX tăng thu nhập cho người dân, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, xây dựng hạ tầng nông thôn tiến tới xóa bỏ nhà tạm tại các xã. Lựa chọn, ưu tiên hỗ trợ cho 20% xã đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2015 để số xã này sớm về đích.
Đặc biệt, cần chỉ đạo mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu SX, phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ tiên tiến cho các xã, đồng thời phát triển các hình thức tổ chức SX tập thể, liên kết để hỗ trợ thúc đẩy SX hàng hóa, tăng thu nhập cho hộ cư dân nông thôn. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hướng dẫn các gia đình tập trung cải tạo, thâm canh ao, vườn để có thu nhập và cảnh quan đẹp. Phát triển, nâng cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu nông thôn, lựa chọn làm trước loại hạ tầng cơ bản, thiết yếu như: giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, trạm xá (vùng sâu, vùng cao), trong đó ưu tiên cho công trình ở cấp thôn hoặc trực tiếp gắn với phát triển SX và đời sống thường nhật hàng ngày của người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: “Qua một năm triển khai xây dựng NTM, vừa rồi cho thấy nhiều địa phương còn nóng vội, muốn làm ngay. Vì vậy, cần thống nhất về nhận thức là thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhưng không nóng vội. Đặc biệt, quy hoạch phải có tầm nhìn dài hơi 20 - 30 năm nên cần cân nhắc việc thay đổi tiêu chí. Đặc biệt chú trọng quy hoạch phát triển SX, đưa ra được mô hình phù hợp cho từng vùng, từng huyện, từng xã. Tạo điều kiện phát triển bền vững, gắn kết đầu vào đầu ra, đẩy mạnh ứng dụng KHKT nâng cao thu nhập cho người nông dân". |
Để Chương trình thành công phải huy động tổng lực, làm tổng hợp, khi triển khai cần có trọng tâm, trọng điểm và cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Phải làm sao đưa chương trình trở thành thực tiễn chứ không chỉ dừng lại ở công cuộc vận động. Đặc biệt, các địa phương không nên cứng nhắc bó hẹp huy động nguồn lực của nhân dân chỉ là tiền của và công sức người dân bỏ ra để làm đường, kênh mương, thủy lợi… mà việc người dân tự bỏ tiền chỉnh trang cổng ngõ, sửa sang vườn tược, nhà vệ sinh cho chính họ cũng chính là nguồn lực xây dựng NTM.
Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ ra bài học kinh nghiệm khi triển khai xây dựng NTM năm vừa qua, phải chú trọng đặc biệt đến cấp thôn và hộ gia đình. “Vừa qua, khi làm đường, nhà văn hóa, trường học, bệnh xá xã… nhân dân nhìn vào đó rất phấn khởi nhưng họ vẫn nghĩ đó là công trình của chính quyền. Còn khi chúng ta triển khai ở cấp thôn, cấp hộ thì người dân cảm thấy chương trình có tác động tích cực trong đời sống của họ và coi đó là chương trình của mình. Đó mới là mục tiêu chúng ta cần hướng tới", Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã