10 ngày mất ngủ!
Đã hơn một tháng kể từ ngày xuất khẩu container thịt gà đầu tiên hôm 24.8, ông Nguyễn Minh Kha, chủ trại duy nhất được cấp phép vẫn chưa quên cảm giác hồi hộp, lo lắng, nín thở chờ đợi kết quả kiểm tra lần cuối của cơ quan chức năng Nhật Bản, trước khi thông quan. Mặc dù chỉ được phép xuất khẩu hàng đã qua chế biến – xử lý nhiệt 70 độ C, dù đã qua rất nhiều khâu kiểm tra trước đó, nhưng nguyên tắc, hàng tới cảng vẫn phải được bộ Lao động – y tế và phúc lợi Nhật Bản lấy mẫu kiểm tra lần cuối.
Trại gà của ông Nguyễn Minh Kha là trại duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm này được cấp phép xuất sang Nhật Bản.
“Lô hàng rời cảng Việt Nam ngày 24.8, tới Nhật hôm 30.8, sau đó phải giữ lại cảng mười ngày nữa để lấy mẫu, mãi tới ngày 10.9 phía Nhật Bản mới thông báo kết quả lô hàng đạt yêu cầu, cho phép thông quan”, ông Kha nhớ rành rẽ lịch trình thời gian xuất container đầu tiên như vậy.
Sau mười ngày chờ đợi, cuối cùng niềm vui cũng vỡ oà với nhiều người trong cuộc. Riêng ông Nguyễn Minh Kha, là người có thâm niên trong ngành chăn nuôi, mỗi ngày bán ra thị trường nội địa hàng chục ngàn con gà, nhưng việc xuất thành công thịt gà sang Nhật, mang lại cho ông cảm xúc lạ lùng, từ hồi hộp đến lo lắng. “Mười ngày chờ kết quả, tôi và những người liên quan đến xuất khẩu gà mất ngủ, lúc nào cũng suy nghĩ, lo lắng vì sợ kết quả xét nghiệm không đạt!”, ông Kha tâm sự.
Theo ông Kha tiết lộ, mặc dù trước đó quy trình chăn nuôi, giết mổ và chế biến đã được các bên kiểm soát, lấy mẫu xét nghiệm rất chặt chẽ, tuy nhiên, điều mà ông và Koyu & Unitek chưa thể an tâm với lô hàng đầu tiên, là còn lấn cấn kết quả sử dụng vắcxin giai đoạn cuối cho đàn gà. Thông thường, vào giai đoạn cuối, con gà thường mắc bệnh hô hấp, chủ trại phải sử dụng vắcxin để trị. Do tính chất quan trọng của lứa gà đầu xuất đi Nhật, nên ông Kha được cán bộ kỹ thuật chỉ định sử dụng vắcxin Doxy, nhập từ Hà Lan. Theo chỉ dẫn sử dụng của Hà Lan, Doxi đào thải trong bảy ngày sau tiêm, tuy vậy, các cán bộ kỹ thuật của Nhật Bản và Việt Nam vẫn thống nhất nâng thêm ba ngày cách ly, tức là mười ngày sau tiêm vắcxin mới bắt gà cho an toàn.
“Vắcxin đã chích cho đàn gà, sau mười ngày cách ly đúng quy trình, công ty tiến hành bắt đưa về giết mổ. Cơ quan Thú y vùng VI và phía Nhật Bản cẩn thận lấy mẫu xét nghiệm, kết quả không còn tồn dư lượng vắcxin. Tuy nhiên, có một chi tiết khiến chúng tôi lo ngại, trước đó, các bác sĩ thú y Nhật Bản cho rằng phải cách ly 14 ngày, vì mười ngày vẫn có nguy cơ vắcxin còn tồn lưu trong xương, trong tuỷ con gà”, ông Kha kể.
Giám sát cả… chim, chuột!
Ngoại trừ Koyu & Unitek đã quá rành rẽ tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của Nhật Bản, với người chăn nuôi như ông Nguyễn Minh Kha, nuôi gà theo chuẩn Nhật vẫn là một thứ gì đó quá mới mẻ, thậm chí là xa lạ. Ông Kha kể: “Khi mới bắt tay vào làm, được các cán bộ kỹ thuật của Nhật Bản, Việt Nam cùng với đội ngũ bác sĩ thú y Koyu & Unitek hướng dẫn, với tôi, tuy cũ mà mới, tuy quen mà lạ, dễ mà khó”.
Trước tiên, để được Nhật Bản cấp phép, ba khu trại gà của ông Kha phải thực hiện đồng loạt các quy trình: chăn nuôi, tiêm vắcxin, tiêu độc khử trùng, xét nghiệm, bắt gà, kiểm soát nguy cơ…, trong đó đặc biệt chú ý đến việc… quản lý chim, chuột xung quanh trang trại. “Có hàng trăm tiêu chuẩn phải áp dụng, vừa tỉ mỉ, chính xác, khoa học, khác hoàn toàn với cách nuôi gà truyền thống trước đây”, ông Kha nhấn mạnh.
Ông Kha cho biết thêm: trước đây, trại gà không có rào chắn cách ly nên chim chóc và chuột hàng đàn kéo đến ăn cám rơi vãi, nay, tiêu chuẩn Nhật yêu cầu phải làm hàng rào, có dụng cụ xua đuổi, giám sát tất cả đối tượng này, không cho chúng xuất hiện ở trang trại, vì đây là đối tượng mang mầm bệnh từ nơi khác đến. Hay như trước đây, chủ trại, công nhân đi ra đi vào trại gà thường xuyên mà không có chế độ khử trùng, còn bây giờ muốn vào trại phải tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo bảo hộ.
Trong quá trình nuôi, con gà của ông Kha còn được Thú y vùng VI giám sát bệnh cúm gia cầm, dịch tả sáu tháng/lần, mỗi lần lấy 30 mẫu/trại. Còn phía Koyu & Unitek giám sát nguyên liệu đầu vào, thuốc thú y, lấy mẫu phân kiểm tra salmonella. Bản thân chủ trại phải lấy mẫu máu xét nghiệm định kỳ bệnh dịch tễ và hô hấp (ND và IB) theo lịch: bảy ngày sau khi thả giống, 14 ngày, 21 ngày và 28 ngày. Mỗi khu trại phải lấy một chuồng với số lượng 30 mẫu. Trước khi gà xuất chuồng, trại gà còn thường xuyên lấy mẫu nước, không khí đem đi xét nghiệm.
“Việc sử dụng vắcxin, kháng sinh phải theo hướng dẫn của Nhật Bản, không thể tuỳ tiện sử dụng khi chưa có sự cho phép của cán bộ thú y. Chúng tôi tuyệt đối không được sử dụng các loại kháng sinh, thuốc cấm độc hại!”, ông Kha khẳng định.
Con gà có giá hơn nửa tỉ USD Theo ông James Hiếu Nhơn Khưu, tổng giám đốc Koyu & Unitek, mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu hơn 1 triệu tấn thịt gà, trong đó Brazil là 420.000 tấn (số liệu năm 2016), Thái Lan – 320.000 tấn, Trung Quốc – 165.000 tấn. Riêng Thái Lan, trong số 320.000 tấn thịt gà xuất sang Nhật năm 2016, có đến 2/3 ở dạng chế biến. Ông Hiếu cho rằng, Việt Nam có lợi thế nhân công chăn nuôi và chế biến rẻ, giá thành chăn nuôi tương đương với Thái Lan, nên có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài trại gà của ông Nguyễn Minh Kha, trong kế hoạch của năm 2018, Koyu & Unitek sẽ hợp tác thêm hai trang trại của ông Lê Văn Quyết và ông Nguyễn Văn Ngọc ở Đồng Nai. Hiện hai trại này đang được cơ quan thú y Nhật Bản và Việt Nam tiến hành đánh giá để cấp chứng nhận. Hiện C.P Việt Nam đang lập dự án xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Được biết, C.P Việt Nam cũng đã có đối tác Nhật Bản yêu cầu mua hàng, bước còn lại là tiến hành các thủ tục xây dựng, tổ chức hệ thống trang trại chăn nuôi, nhà máy giết mổ, chế biến theo tiêu chuẩn Nhật Bản. C.P Việt Nam có lợi thế kinh nghiệm tổ chức chăn nuôi, có sẵn hệ thống trang trại chăn nuôi gà hiện đại, nhà máy thức ăn, sản xuất con giống khép kín, truy xuất nguồn gốc khắp cả nước. C.P Việt Nam cũng có nguồn lực tài chính, được tiếp sức từ tập đoàn C.P Thái Lan, nên việc xuất khẩu gà sang Nhật sẽ không quá khó với họ. “Chúng tôi có thể được chia sẻ đơn hàng từ C.P Thái Lan đang xuất khẩu cho các đối tác của Nhật. Theo kế hoạch, đến năm 2019 có thể xuất khẩu được thịt gà sang Nhật”, đại diện C.P Việt Nam cho biết thêm. Còn một liên doanh khác đang tổ chức chăn nuôi gà theo chuỗi xuất khẩu, đó là De Heus. Mới đây, ông Gabor Fluit, tổng giám đốc De Heus châu Á, tiết lộ: đã nhận được yêu cầu nhập khẩu ức gà từ một đối tác Hà Lan với số lượng khoảng 80.000 tấn/năm. Theo đánh giá của Gabor Fluit, các nước châu Âu vẫn đang xuất thịt gà nhưng chỉ bán cánh, đùi, chân, riêng phần ức gà đang thiếu cho tiêu dùng nội địa, phải nhập khẩu. “Nếu Việt Nam xuất khẩu được ức gà sẽ gia tăng giá trị”, một chuyên gia về thị trường gà nói. Bảo Ngọc |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã